Ước mơ vươn ra thế giới

Không quẩn quanh với những điều quen thuộc, một số học sinh Quảng Trị đã tìm đến các cuộc thi mới mẻ, mang tầm thế giới và gặt hái kết quả đáng mừng. Mới đây, hai nữ sinh Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi 'Thách thức thương mại quốc tế' 2021 do Tập đoàn Vận tải FedEx phối hợp với Tổ chức Junior Achievement tổ chức. Cuộc thi đã tạo động lực cho các em nuôi lớn những giấc mơ của mình.

 Diệu Linh (bên phải) và Bảo Hân trao đổi về từng mẫu thiết kế - Ảnh: Q.H

Diệu Linh (bên phải) và Bảo Hân trao đổi về từng mẫu thiết kế - Ảnh: Q.H

Thách thức chính mình

Khi còn đang trong kỳ nghỉ hè, Nguyễn Thị Diệu Linh và Nguyễn Bảo Hân, học sinh Trường liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (gọi tắt là iSchool Quảng Trị) đã luôn mong chờ những buổi tới lớp. Đối với hai nữ sinh này, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Cũng như các bạn, Diệu Linh và Bảo Hân được học rất nhiều điều mới mẻ, thú vị, bổ ích từ những giáo viên giàu năng lực, lại rất tận tình. Nhờ sự động viên, dìu dắt của thầy cô mà Diệu Linh và Bảo Hân đã đến với cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế”. FedEx - đơn vị đồng tổ chức cuộc thi là tập đoàn vận tải được xếp vào diện lớn nhất thế giới, cung cấp dịch vụ uy tín tại Mỹ và hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cùng Tổ chức Junior Achievement, tập đoàn muốn giúp học sinh nhiều nước có một sân chơi để nuôi dưỡng đam mê và được trang bị kiến thức, kỹ năng kinh doanh.

 Đến với cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế”, Diệu Linh và Bảo Hân (đeo kính) phải tìm hiểu rất nhiều thông tin về đất nước Pakistan - Ảnh: Q.H

Đến với cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế”, Diệu Linh và Bảo Hân (đeo kính) phải tìm hiểu rất nhiều thông tin về đất nước Pakistan - Ảnh: Q.H

Thực ra, cả Diệu Linh và Bảo Hân đều không xa lạ với cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế”. Cuộc thi này đã bước sang mùa thứ 13, thu hút hơn 20 nghìn học sinh đến từ hơn 300 ngôi trường ở Việt Nam tham gia. Quan tâm tới cuộc thi nhưng cả Diệu Linh lẫn Bảo Hân đều chưa tự tin để thử sức. Đối với hai em, chỉ những người được đào tạo chuyên sâu hoặc có nhiều kinh nghiệm mới có thể xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường nước ngoài cho các sản phẩm, dịch vụ.

“Em vẫn nghĩ như thế cho đến khi gặp thầy giáo giảng dạy bộ môn kiến tạo doanh nhân. Nhờ thầy mà em và một bạn trong trường đã tự tin đến với cuộc thi “Thử thách thương mại quốc tế”, cùng nhau xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch để thâm nhập thị trường Campuchia. Dù không tiến sâu vào vòng chung kết nhưng chúng em đã vượt qua khoảng 180 đội dự thi đến từ các trường trong toàn quốc”, Bảo Hân kể.

Trải nghiệm thú vị khi tham gia cuộc thi “Thử thách thương mại quốc tế” đã thôi thúc Hân trở lại. Tuy nhiên, năm nay, đề bài “Xây dựng sản phẩm thời trang để thâm nhập thị trường Pakistan” lại không phải là thế mạnh của Bảo Hân. Sau khi chia sẻ, Hân được giáo viên gợi ý hợp tác cùng Nguyễn Thị Diệu Linh, một nữ sinh khóa trên rất yêu thích tiếng Anh và thời trang. Không mất quá nhiều thời gian, hai nữ sinh cùng “mê” bộ môn kiến tạo doanh nhân đã tìm thấy tiếng nói chung.

Trước khi đến với cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế”, cả Diệu Linh lẫn Bảo Hân đều là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi học sinh giỏi. Mới đây nhất, hai em cùng đoạt giải Nhì cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh. Tuy nhiên, cuộc thi và đề bài đặt ra vẫn là thử thách rất lớn đối với 2 bạn. Việc xây dựng công ty để xâm nhập một thị trường xa lạ không hề dễ. Diệu Linh chia sẻ: “Nếu không muốn, người ta sẽ tìm lý do, còn nếu muốn thì sẽ tìm cách. Chúng em sẽ tìm cách để bước ra vùng an toàn, làm những việc mình không nghĩ sẽ làm được”.

Thâm nhập thị trường Pakistan

Ngay sau khi bắt tay nhau, Diệu Linh và Bảo Hân ngay lập tức bước vào “cuộc đua” để kịp đến với cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế”. Trong một tuần lễ, hai nữ sinh tập trung nghiên cứu thị trường thời trang Pakistan; lên kế hoạch lập công ty; xây dựng chiến lược kinh doanh… Việc khó nhất vẫn là làm thế nào để chinh phục được khách hàng ở một đất nước giao thoa nhiều nền văn hóa lớn với rất đông thợ thủ công giỏi. Ngành dệt may ở Pakistan phát triển nhanh chóng với những thiết kế vô cùng đặc biệt, có nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo. Đó cũng chính là điều khiến không ít doanh nhân nước ngoài phải chùn bước sau khi lấn sân vào lĩnh vực thời trang ở Pakistan.

 Diệu Linh (bên phải) và Bảo Hân chia sẻ kế hoạch thâm nhập thị trường Pakistan - Ảnh: Q.H

Diệu Linh (bên phải) và Bảo Hân chia sẻ kế hoạch thâm nhập thị trường Pakistan - Ảnh: Q.H

Xác định rõ mục tiêu, Diệu Linh và Bảo Hân đã chăm chút cho từng ý tưởng thời trang của mình. Người Pakistan rất yêu thích màu sắc. Tuy nhiên, sự thuận lợi ấy lại tiềm ẩn rủi ro đối với nhà thiết kế. Nếu không thiếu đi sự tinh tế, nhà thiết kế sẽ tạo ra những bộ trang phục diêm dúa, lòe loẹt. Để mang lại sự hài hòa, thanh lịch cho trang phục của mình, Diệu Linh và Bảo Hân đã có rất nhiều buổi trưa ở lại trường để thiết kế và trao đổi, thảo luận. Từ đây, không chỉ giải bài toán về thiết kế, hai nữ sinh còn nghĩ ra phương án may trang phục bằng vải làm từ sợi tre, vừa thân thiện với môi trường, vừa phù hợp với khí hậu Pakistan.

“Sau khi giải quyết được những nút thắt về thời trang, chúng em bắt đầu tính chiến lược kinh doanh. Với trang phục thiết kế phù hợp với 2 mùa, có giá cả phải chăng, chúng em tính có khoảng 37.000 phụ nữ ở Pakistan có thể tiếp cận sản phẩm của mình. Trong 6 tháng đầu đến với thị trường nước bạn, mục tiêu của chúng em là bán được 10 ngàn bộ trang phục truyền thống. Sau 5 năm, chúng em sẽ thu lợi nhuận 235.000 USD”, Bảo Hân bật mí về chiến lược.

Sau khi tạm yên tâm với kế hoạch thâm nhập thị trường Pakistan, Diệu Linh và Bảo Hân lại lo lắng nghĩ đến việc chinh phục giám khảo. Trong quá trình từ làm bài dự thi đến thuyết trình, bảo vệ kế hoạch của mình, hai nữ sinh iSchool Quảng Trị phải sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Riêng việc tìm hiểu về thuật ngữ chuyên ngành cũng đã khiến Linh và Hân mất khá nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, cạnh tranh với Bảo Hân và Diệu Linh đều là những “đối thủ nặng ký” ở các tỉnh, thành phố lớn. Có đội đã dành nhiều tháng trời để chuẩn bị.

Lo lắng vậy nên điều khiến Diệu Linh và Bảo Hân rất mừng là nhận được sự ủng hộ của ban giám khảo, nhà tài trợ và nhiều khán giả theo dõi trực tuyến. Ban giám khảo đặc biệt thích thú với những sản phẩm thanh lịch nhưng giá cả phải chăng; ý tưởng lựa chọn chất liệu thân thiện với môi trường; quyết tâm ra thế giới nhưng vẫn tạo việc làm cho người Việt Nam… của Diệu Linh và Bảo Hân. Kết quả, hai nữ sinh Quảng Trị đã được lựa chọn vào vòng chung kết cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế” 2021. Vượt qua hơn 200 đội thi đến từ những ngôi trường lớn trong cả nước, kế hoạch thâm nhập thị trường Pakistan của hai nữ sinh iSchool Quảng Trị lọt danh sách 12 kế hoạch khả thi nhất.

Ngoài kết quả đáng mừng kể trên, cuộc thi “Thách thức thương mại quốc tế” 2021 còn mang lại nhiều điều ý nghĩa đối với cả Diệu Linh lẫn Bảo Hân. Diệu Linh chia sẻ, trước đây, mình ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang, làm việc cho các công ty lớn. Sau cuộc thi, ước mơ ấy giờ đã được “nâng tầm”. Linh tin, nếu nỗ lực, mình có thể trở thành giám đốc điều hành chuỗi công ty thời trang hàng đầu. Rất có thể, một ngày nào đó, Hân sẽ chinh phục thị trường Pakistan để hiện thực hóa ý tưởng, kế hoạch năm nào.

Về phần mình, Bảo Hân vẫn giữ ước mơ trở thành tiếp viên hàng không. Hân khẳng định, nếu có cơ hội thì sẽ đến Pakistan để hiểu rõ hơn về đất nước mà mình chỉ mới “du lịch” qua sách, báo. Những ước mơ, dự định ấy chỉ mới là điểm khởi đầu trên hành trình vươn ra thế giới của hai nữ sinh tuổi trăng tròn.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=161079&title=uoc-mo-vuon-ra-the-gioi