Ước nguyện chữa bệnh cho con chưa thành hiện thực
Cô giáo Trương Thị Mai Ân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tĩnh Túc (Nguyên Bình) là một trong những nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở đất ngày 9/9/2024, tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành. Vụ tai nạn đã cướp mất người mẹ hiền của 2 bé: Nguyễn Thị Diệu Châu và Nguyễn Thị Quỳnh Anh.
Cái ngày định mệnh 9/9 ấy, ước mơ được phẫu thuật cho con gái bé bỏng 6 tuổi khỏi bệnh hiểm nghèo, ước mơ được bên cạnh chăm sóc con gái mắc bệnh bại não đã vĩnh viễn chôn vùi tại Khuổi Ngọa; vụ tai nạn thương tâm đã cướp mất người mẹ hiền yêu dấu của hai bé Châu - Anh.
Sinh năm 1986, cuộc đời cô giáo Ân trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống. Năm 2006, cô kết hôn với anh Nguyễn Trọng Nghĩa, niềm hạnh phúc nhân lên khi bé Diệu Châu được sinh ra, tuy nhiên, hạnh phúc chưa thật sự vẹn tròn khi bé được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh bại não bẩm sinh, dường như ông trời đã gửi cho cô những thử thách khắc nghiệt nhất, nhưng cô vẫn mạnh mẽ, không khuất phục để đồng hành cùng con trên hành trình gian nan.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, cô nhận quyết định công tác tại Trường Mầm non Thể Dục (Nguyên Bình), hai vợ chồng trẻ thuê nhà trọ, ngày ngày cô vẫn đến trường chăm lo, dạy dỗ các bé mầm non, chồng ở nhà trông con để cô yên tâm công tác.
Sau một thời gian, cô được chuyển về Trường Mầm non Thị trấn Tĩnh Túc, nơi cô sinh ra và lớn lên. Những ngày tháng cống hiến, tâm huyết với nghề “cô nuôi dạy trẻ” cứ thế trôi đi. Năm 2018, bé thứ hai (cháu Quỳnh Anh) ra đời trong niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình, tuy nhiên, thấy bé có biểu hiện bất thường hai vợ chồng cô đưa cháu đi khám, kết luận của bác sĩ lần nữa khiến cho đôi vai mỏng manh của cô thêm phần gánh nặng, bé bị mắc 2 bệnh hiểm nghèo là hẹp lồng ngực và căn bệnh lạ "dạ dầy treo trên xương sườn”.
Trước khó khăn đó, với trách nhiệm của người đàn ông trụ cột gia đình, anh Nghĩa quyết định tham gia khóa đào tạo Nghiệp vụ bảo vệ, năm 2019, may mắn anh xin được làm bảo vệ cho Tập đoàn Dầu khí có trụ sở tại Hà Nội với mức lương cơ bản từ 8 - 10 triệu đồng, đỡ phần nào giúp vợ nuôi dạy các con. Cứ thế vợ chồng cô chịu thương, chịu khó chắt chiu, chăm sóc các con và bố mẹ 2 bên già yếu, đồng thời vừa dành tiết kiệm với mong ước có đủ tiền để sớm phẫu thuật cho bé Quỳnh Anh và chăm sóc cho bé lớn Diệu Châu.
Trong công tác chuyên môn cô luôn nỗ lực, trách nhiệm và được đồng nghiệp yêu quý, ngoài ra cô còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tĩnh Túc, Chủ tịch Công đoàn Khối trường học thị trấn Tĩnh Túc.
Trong mắt hàng xóm, đồng nghiệp cô Ân luôn là người lạc quan vượt lên nghịch cảnh, cô truyền nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ. Bên cạnh đó, cô luôn tích cực tham gia Hội gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành, Chi hội trưởng Chi hội trẻ bại não tỉnh Cao Bằng; nơi nào có trẻ em bại não, có hoàn cảnh khó khăn cô lại xông xáo lên đường với những tình cảm, sự sẻ chia, đồng cảm với các gia đình, bởi cô cùng hoàn cảnh.
Đầu năm 2024, chồng cô từ một người đàn ông khỏe mạnh sau thời gian bị bệnh dạ dày mãn tính cùng với suy nghĩ lo lắng cho gia đình nên bị chảy máu dạ dày khá nghiêm trọng. Sau khi được đưa vào viện cấp cứu, điều trị ổn định anh xuất viện và trở về quê Cao Bằng, anh nghĩ sức khỏe yếu không làm được việc nặng nên tạm thời làm công việc rửa xe máy, ô tô tại nhà với mong muốn đỡ đần vợ. Hai vợ chồng xa nhau đã vài năm, nay chồng về gần, cô cũng được động viên, chia sẻ nhiều hơn, niềm hạnh phúc hiện lên trong ánh mắt và nụ cười lạc quan của cô.
Thế nhưng, cuộc đời đâu ai biết trước điều gì? Đối mặt với bão lũ, người ta thường tự nhủ, còn người thì còn của nhưng thiên nhiên vốn khắc nghiệt, mưa lũ chẳng những cuốn trôi tất thảy hoa màu, đồ đạc mà còn cuốn đi bao kiếp người, biết bao nhiêu số phận bị vùi chôn mãi dưới lớp đất, bao nhiêu con người bị nhấn chìm dưới tầng nước thăm thẳm. Cái ngày định mệnh ấy, ước mơ được phẫu thuật cho con gái bé bỏng 6 tuổi khỏi bệnh hiểm nghèo, ước mơ được bên cạnh chăm sóc con gái mắc bệnh bại não đã vĩnh viễn chôn vùi tại Khuổi Ngọa; vụ tai nạn thương tâm đã cướp mất người mẹ hiền yêu dấu của hai bé kể từ đó. Sau 3 ngày nằm dưới dòng suối lạnh lẽo, cô giáo Ân được tìm thấy và đưa về gia đình an táng, ngày hôm ấy cả thị trấn nhỏ bé nơi phố núi, hàng xóm, anh em, bạn bè, đồng nghiệp tiếc thương đón cô trong nước mắt; bố mẹ, chồng con cô nước mắt hòa cùng nước mưa.
Cô giáo Ân đã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng, thế nhưng không khí u buồn vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ. Các con ngơ ngác gọi mẹ mà không có tiếng trả lời, người mẹ già đôi mắt mờ đi vì khóc khô cạn nước mắt, người chồng thẫn thờ nhìn lên di ảnh vợ với nỗi đau khôn nguôi, với niềm mong mỏi có một công việc ổn định phù hợp với nghề được đào tạo, có thu nhập để nuôi dưỡng các con, để viết tiếp ước nguyện của vợ trong tương lai… Cuộc sống vẫn tiếp diễn, những nỗi đau rồi cũng sẽ nguôi ngoai, nhưng khó khăn trước mắt với gia đình cô giáo Ân còn hiện hữu.
Với tình cảm và trách nhiệm chăm lo cho đoàn viên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn tỉnh bước đầu đã thăm, động viên, chia sẻ với thân nhân gia đình cô giáo Ân; nắm tâm tư nguyện vọng gia đình để có phương án tối ưu nhất hỗ trợ lâu dài.
Tuy nhiên, để điều đó sớm được thực hiện, cần sự quan tâm, chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và nhiều tấm lòng hảo tâm, góp phần hiện thực hóa tâm nguyện còn dang dở của cô giáo Trương Thị Mai Ân.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/uoc-nguyen-chua-benh-cho-con-chua-thanh-hien-thuc-3172215.html