Ước tính 40 triệu người trên thế giới sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm nay

Giá cả các mặt hàng lương thực và năng lượng tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể đẩy hơn 40 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực.

Trẻ em chờ nhận khẩu phần ăn do Chương trình Lương thực thế giới tài trợ ở Harare, Zimbabwe. Ảnh: AFP/TTXVN

Trẻ em chờ nhận khẩu phần ăn do Chương trình Lương thực thế giới tài trợ ở Harare, Zimbabwe. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên đây là dự báo của Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGDEV) đưa ra ngày 18/3 khi đánh giá về hậu quả của các biện pháp hạn chế xuất khẩu và trừng phạt nhằm vào lĩnh vực sản xuất lương thực của Nga.

Theo tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ) này, kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, giá các loại lương thực đã bắt đầu tăng cao hơn cả mức ghi nhận trong thời kỳ tăng giá đột biến vào năm 2007 và 2010.

Dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), CGDEV cho biết vào năm 2007, giá cả leo thang đã khiến 155 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng cho thấy đợt tăng giá năm 2010 đã đẩy 44 triệu người vào tình cảnh này. Tương tự như vậy, với tốc độ tăng giá hiện nay, các chuyên gia của tổ chức trên ước tính sẽ có ít nhất 40 triệu người trên thế giới rơi xuống "đáy" của xã hội trong năm nay.

Theo định nghĩa của WB, người có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày được xác định là diện nghèo cùng cực.

Các nhà nghiên cứu cho biết các khách hàng nhập khẩu trực tiếp lúa mỳ từ Nga và Ukraine, vốn chiếm tới 25% lượng lúa mỳ xuất khẩu trên toàn thế giới, hiện là đáng lo ngại nhất. Các nước này gồm Ai Cập, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, giá cả sẽ tăng trên toàn thế giới khi các nhà nhập khẩu cạnh tranh để tìm nguồn cung cấp thay thế. Các hộ gia đình ở các nước có thu nhập thấp thường phải dành tới 50% ngân quỹ của gia đình chi cho thực phẩm và giá cả cao hơn sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

CGDEV kêu gọi các cơ quan phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế hành động khẩn cấp khi nhu cầu hỗ trợ nhân đạo gia tăng trên toàn thế giới, trong khi các nước giàu có nên tài trợ bổ sung cho các thể chế này để sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới.

Trong khi đó, cùng ngày, người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, ông David Beasley đã hối thúc các nước giàu hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trao đổi với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Kristalina Georgieva, ông Beasley nêu rõ các nước khu vực Sahel ở châu Phi, Syria, Jordan, Liban có nguy cơ đối mặt với nạn đói, kéo theo làn sóng di cư và những bất ổn. Ông nhấn mạnh không thể có hòa bình nếu không đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực.

Theo quan chức WFP, các nước giàu có ở châu Âu và Mỹ cần phải "thức tỉnh" trước thực tế này để tránh các hậu quả tồi tệ.

Phương Hồ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/uoc-tinh-40-trieu-nguoi-tren-the-gioi-se-roi-vao-canh-ngheo-cung-cuc-trong-nam-nay-20220319110856953.htm