Ước tính giá điện sản xuất kinh doanh tăng gấp rưỡi hai năm tới

Tăng tỷ lệ nhà máy điện tham gia thị trường điện có thể giúp giảm mức độ tăng giá điện, theo nghiên cứu từ VIETSE.

Theo Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vận hành linh hoạt hệ thống điện là bài toán cấp thiết cần được giải quyết, khi hệ thống điện Việt Nam hướng đến nâng cao tỷ trọng sản lượng điện năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) lên đến từ 30 – 39% trong tổng lượng điện thương mại.

Bối cảnh này đòi hỏi áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, và cũng sẽ hình thành các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ công tác vận hành hệ thống điện.

Trong đó, đánh giá nhu cầu lưu trữ năng lượng và dự báo giá điện sản xuất kinh doanh sẽ là những tín hiệu quan trọng đối với thị trường đầu tư.

Cụ thể, nghiên cứu của VIETSE mới đây đã đưa ra ước tính giá điện sản xuất kinh doanh dựa trên kết quả dự báo giá thị trường điện giao ngay (SMP), và giả thiết tỷ trọng nhà máy điện tham gia thị trường điện.

Theo đó, ước tính giá điện sản xuất kinh doanh năm 2025 (căn cứ kế hoạch phát triển nguồn điện năm 2025 trong Quy hoạch điện VIII) tăng đáng kể so với hiện nay, trong khoảng 2.195 – 3.481 VNĐ/kWh, tương ứng giả thuyết tỷ lệ nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong khoảng 40 – 65%. Giá này đã được tính toán phí truyền tải và phân phối.

Năm 2022, mức giá điện sản xuất kinh doanh được công bố vào khoảng 2.000 VNĐ/kWh.

VIETSE lưu ý rằng về cơ bản, dự báo nghĩa là có sai số, tuy nhiên, kết quả đầu ra lại rất cần thiết để định hình xu hướng thị trường đầu tư phát triển nguồn mới, kết hợp với nhu cầu lưu trữ sẽ đưa ra tín hiệu cạnh tranh đối với việc cung cấp dịch vụ phụ trợ. Nghiên cứu của VIETSE về mô hình dự báo giá điện nhằm đưa ra tín hiệu khách quan về giá điện sản xuất kinh doanh trong tương lai, chứ không phải là thông tin chính thức để điều chỉnh giá điện.

Kết quả dự báo giá điện sản xuất kinh doanh năm 2025. Nguồn: VIETSE.

Kết quả dự báo giá điện sản xuất kinh doanh năm 2025. Nguồn: VIETSE.

VIETSE lưu ý rằng, sự gia tăng tỷ lệ nhà máy điện tham gia thị trường điện có thể giúp giảm mức độ tăng giá điện.

Do đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị tăng tỷ lệ nhà máy điện tham gia thị trường điện để tăng cạnh tranh, và giảm mức độ tăng giá điện.

Phân tích độ nhạy dự báo giá điện sản xuất kinh doanh năm 2025. Nguồn: VIETSE.

Phân tích độ nhạy dự báo giá điện sản xuất kinh doanh năm 2025. Nguồn: VIETSE.

Ngoài ra, nghiên cứu của VIETSE về hệ thống lưu trữ năng lượng chỉ ra rằng, trong bối cảnh nhiều nguồn năng lượng tái tạo biến đổi tham gia hệ thống điện, hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Kết quả nghiên cứu mô hình hóa cho thấy tăng cao công suất các nguồn thủy điện tích năng và lưu trữ điện là cần thiết, để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng một cách tin cậy và bền vững.

Đối với mục tiêu tham vọng trong thỏa thuận Đối tác chuyển dịch công bằng (JETP), kiến nghị cần có ít nhất 6GW thủy điện tích năng và các hệ thống lưu trữ điện khác, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Bên cạnh việc cân bằng năng lượng, các bộ lưu trữ điện (EES – Electrochemical Energy Storage) có thể đóng góp vào các dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là giảm nghẽn lưới truyền tải.

Nhóm tác giả của nghiên cứu này đề xuất đặt 2.000MW các bộ lưu trữ điện tại miền Bắc để giảm ảnh hưởng việc thiếu nguồn tại khu vực này. Đồng thời, tiến hành lắp đặt các bộ lưu trữ điện còn lại tại các khu vực tập trung cao các nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là đặt 1.000 MW tại khu vực Bắc Trung Bộ, và 1.500 MW tại khu vực Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Hồng Phương, Đại học Kỹ thuật Eindhoven, Hà Lan, cho rằng Việt Nam cần xây dựng một lộ trình phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng với cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích sự tham gia các dịch vụ phụ trợ nhằm gia tăng khả năng vận hành linh hoạt hệ thống, đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo đó, sự gia tăng công suất các nguồn thủy điện tích năng và lưu trữ điện là cần thiết, để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 (NZE), và thực hiện chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Ông Dimitri Pescia, Trưởng nhóm quốc tế phụ trách khu vực Đông Nam Á của tổ chức Agora Energiewende, Đức, nhận định sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang định hình lại hệ thống điện, do đó, điều quan trọng là tăng tính linh hoạt của hệ thống.

Để làm được điều này, Việt Nam cần huy động tất cả nguồn lực linh hoạt, bao gồm tăng giảm các nhà máy điện hiện có, định hình nhu cầu, lưới điện và lưu trữ.

Điểm then chốt là Việt Nam cần tìm ra sự cân bằng mới thông qua các giải pháp, như thiết lập các cơ chế thị trường mới cho các hoạt động ngắn hạn của hệ thống, trong khi vẫn duy trì vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quy hoạch và đầu tư.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/uoc-tinh-gia-dien-san-xuat-kinh-doanh-tang-gap-ruoi-hai-nam-toi-1685786267138.htm