Ước vọng mùa màng bội thu qua phong tục tết trâu
'Con trâu là đầu cơ nghiệp' - câu tục ngữ có từ thời xa xưa mang ý nghĩa nhấn mạnh về việc xây dựng cơ nghiệp không thể thiếu vắng hình bóng của con trâu. Đặc biệt, trong nền nông nghiệp lúa nước xưa, con trâu lại càng gắn bó với đời sống của người nông dân. Chính vì vậy, cứ vào mùng 3, mùng 4 tết Nguyên đán, người nông dân lại tổ chức tết trâu để gửi gắm niềm tin đàn trâu được khỏe mạnh, cày kéo giỏi, lúa tốt tươi, mùa màng bội thu.
Trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ, chúng tôi có dịp đến thăm bà con nông dân xã Minh Tâm, nơi có số lượng đàn trâu nhiều nhất huyện Hớn Quản... Dù khó khăn cách mấy, người nuôi trâu cũng ráng sắm sửa lễ vật tươm tất để cúng trâu. “Con trâu là một biểu tượng đẹp gắn bó với ruộng đồng, với no ấm của các gia đình đồng bào chúng tôi, nhà nào đất đai vườn rẫy ít, có vài con trâu trong chuồng là cầm chắc no đủ, chỉ cần cắt cỏ, chăm sóc tốt thì lo gì thiếu đói, thế nên đồng bào chúng tôi chú trọng lễ này lắm" - anh Điểu Sung, người nuôi trâu ở xã Minh Tâm chia sẻ.
Thường tết trâu được tiến hành vào mùng 3, mùng 4 tết Nguyên đán, nhưng cũng có địa phương tổ chức sau rằm tháng Giêng, khi hạ nêu mới tiến hành. Gia chủ lập một bàn lễ cúng gồm hương, đèn, hoa, nước sạch, rượu, trà cùng các loại bánh trái, đặc biệt là phải có một con gà luộc chéo cánh trên mâm cúng. Ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết thêm: Trước đây, tết trâu được thực hiện khá cầu kỳ, những con trâu đực giỏi cày bừa, hoặc trâu chọi được ưu ái tặng kèm 1 đòn bánh tét nhân trứng; trâu tơ, trâu cái được thưởng cặp bánh cấp - một loại bánh tương tự bánh tày kèm theo cỏ non đã cắt về, trữ sẵn trong kho để trâu cũng được ăn tết. Mục đích của nghi thức này hàm chứa ý nghĩa nhân văn khác của cư dân nông nghiệp, đó là tri ân đóng góp của trâu, đồng thời thể hiện sự coi trọng nghề nông trong xã hội và sức kéo trâu bò trong nông nghiệp. Bà con nuôi trâu quan niệm trâu bò giúp nhà nông cày bừa, khai khẩn đất đai, làm ra nhiều thóc gạo để cuộc sống được no ấm, vì lẽ đó dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng tổ chức tết trâu.
Cũng tùy vào điều kiện của từng gia đình mà gia chủ còn thết đãi trâu những món ngon trong ngày tết. Bà con nông dân nhiều nơi còn nấu cơm, nấu cháo cho trâu ăn, thậm chí bà con còn cho trâu ăn nhiều thức ăn ngon như cám, cháo, đường mật, trứng gà... “Tết tôi ưu tiên cho trâu ăn buổi sáng với trứng và mật ong, mình dùng ống nhựa bón cho trâu uống, mấy trâu chọi còn được cho thêm cám với mật trộn vào rơm hoặc cỏ tươi, đây là cách mình cảm ơn trâu, vừa giúp trâu không bị mất sức trong những ngày tết, vì thường tết bà con đi chơi, trâu không được ra đồng ăn cỏ” - anh Điểu Xạc, người nuôi trâu chọi ở huyện Hớn Quản bày tỏ.
Ngày nay, tết trâu đã được giản lược đi nhiều, tuy nhiên ý nghĩa của hoạt động này vẫn còn, bà con nông dân thông qua tết trâu còn cầu quốc thái dân an, gia đình năm mới bình yên, thịnh vượng. Điều quan trọng nhất, bà con gửi gắm ước vọng vào việc đàn trâu mạnh khỏe, như vậy đồng áng sẽ được đảm bảo cày xới đúng vụ, gieo trồng đúng thời điểm thì chắc chắn mùa màng bội thu và quan trọng hơn cả, trâu cũng được bà con xem như thành viên của gia đình, vẫn được đón tết.