Ước vọng về một thủ đô hiện đại văn hiến
Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó); tổng số dân tăng từ 3,4 triệu lên 6,2 triệu người, đến nay đã gần 10 triệu người. Những năm qua, Đảng bộ, UBND TP Hà Nội đã chú trọng xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển Thủ đô định hướng phát triển dài hạn, phân bổ nguồn lực, nhằm từng bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Trong chiến lược quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đã xác định vai trò kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những động lực chính để mở rộng không gian phát triển đô thị và ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng. Hà Nội đang có những bước đi bài bản, trong đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đề ra.
Với số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Để giải quyết vấn đề này, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết 33/2021/NQ-HĐND nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Xuyên suốt là nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông. Trong đó, tập trung thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực nội thành theo đúng kế hoạch, lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác; tăng tỷ lệ đất cho giao thông. Đây là nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, bền vững để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
“Thành phố sẽ đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung (đường hướng tâm, đường vành đai và các cầu vượt sông) kết nối khu vực đô thị trung tâm; đầu tư các nút giao thông trọng điểm, đường trục chính đô thị; các tuyến đường sắt đô thị; cầu vượt sông; tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực Vành đai 4 theo quy hoạch…,” ông Tuấn nói.
Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra mới đây, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố trình bày Tờ trình đề nghị xem xét, thông qua chủ trương Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đảm bảo định hướng “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”; kế thừa các định hướng cơ bản của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, đảm bảo phù hợp với nghiên cứu định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các ngành quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nghiên cứu điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của Thành phố phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế - xã hội, gắn với kiểm soát dân số, đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm. Trong đó, nghiên cứu giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: Trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên Vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng, phương án bố trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô Hà Nội.
Điều chỉnh các giải pháp quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật gắn với lộ trình triển khai thực hiện theo từng giai đoạn. Nghiên cứu mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối tổng thể với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và các tuyến sông chính khác.
Trong năm 2023, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; hoàn thành, thông xe trong năm 2023 đối với Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 vào Quý III/2023 và các dự án trọng điểm, dự án thuộc Chương trình 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Tại địa phận Hà Nội, tuyến đường dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhận định: Việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên vùng Thủ đô. Nếu dự án này được vận hành, ý nghĩa của “vùng Thủ đô” sẽ thực sự được phát huy tác dụng. Tất cả đầu mối giao thông từ phía Nam lên phía Bắc, từ phía Đông sang phía Tây đi qua khu vực Hà Nội sẽ đều bị ảnh hưởng nếu không có đường Vành đai 4. Nếu có đường vành đai 4 sẽ giải quyết được kết nối giao thông mang tầm quốc gia.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp bàn nhiều cuộc, xác định thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.
Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng: "Chỉ trong vòng 1 năm, chúng tôi hoàn thiện xong thủ tục cho dự án rất lớn này". Thành ủy Hà Nội xác định, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín của thành phố. Thành ủy Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo cấp thành phố, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo với sự tham gia của các đồng chí Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/uoc-vong-ve-mot-thu-do-hien-dai-van-hien-post1504208.tpo