'Ươm mầm' công dân toàn cầu

Thành phố Huế, 'cái nôi hiếu học' của cả nước, đang chuyển mình mạnh mẽ trong giáo dục, hướng đến phát triển năng lực toàn diện cho học sinh, nhất là kỹ năng số, tư duy sáng tạo và năng lực công dân toàn cầu.

Các em đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia của Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế được tuyên dương và khen thưởng.

Các em đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia của Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế được tuyên dương và khen thưởng.

TỪ NỀN TẢNG SỐ ĐẾN CHUYỂN ĐỔI TOÀN DIỆN

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, địa phương bước vào giai đoạn phát triển mới với vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương, nơi hội tụ các giá trị văn hóa, trí tuệ, sáng tạo của vùng đất di sản. Trong chiến lược phát triển bền vững, giáo dục và đào tạo được xác định là một trong bốn trụ cột phát triển trọng tâm, cùng với văn hóa - di sản, y tế chuyên sâu và khoa học - công nghệ; đây là động lực cốt lõi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự nghiệp vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên số và hội nhập.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, thành phố thúc đẩy đổi mới trong giáo dục, hướng đến phát triển toàn diện năng lực người học, phát triển năng lực sáng tạo và năng lực công dân toàn cầu, những phẩm chất thiết yếu của thế hệ mới.

Về kỹ năng số, Huế thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số giáo dục. 100% các trường học ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường, triển khai học bạ điện tử, thư viện số, tuyển sinh trực tuyến, định hướng đẩy mạnh dạy học qua nền tảng số, thí điểm AI trong giảng dạy, hỗ trợ học tập. Các hoạt động giáo dục STEM, lập trình, robot, công nghệ số ngày càng phổ biến trong học sinh phổ thông.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân, hạ tầng số trong các nhà trường được đầu tư đồng bộ: Từ cơ sở dữ liệu tập trung, đường truyền internet tốc độ cao, bảng tương tác, phần mềm hỗ trợ giảng dạy số hóa, học bạ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đến quản lý trường học thông minh. Việc hoàn thành triển khai học bạ số cấp tiểu học đồng bộ dữ liệu vào hệ thống quốc gia là một kết quả tích cực để nhân rộng toàn ngành.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Tân, trên địa bàn có 444/569 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường vùng ven, miền núi đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Năm học 2024-2025, học sinh thành phố Huế khẳng định được vị thế trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. 85/108 học sinh đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, 2 em giành Huy chương Olympic Vật lý châu Á. Huế có đại diện dự thi Olympic Vật lý quốc tế được tổ chức tại Cộng hòa Pháp và Olympic Sinh học quốc tế được tổ chức tại Philippines vào tháng 7/2025.

Đáng chú ý, Trường THPT chuyên Quốc học-Huế 3 năm liên tiếp có học sinh vào chung kết chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được tổ chức vào tháng 10/2025. Huế tiếp tục giữ vững vị trí tốp 10 của toàn quốc về thành tích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học; dẫn đầu về số lượng học sinh vào chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”.

KHƠI DẬY NĂNG LỰC CÔNG DÂN TOÀN CẦU

Không chỉ chú trọng chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Thanh Bình khẳng định, giáo dục thành phố Huế đang chuyển mạnh sang mô hình tập trung nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, dạy học theo hướng phát triển năng lực, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp học sinh; chú trọng xây dựng trường học xanh, an toàn, hạnh phúc, tạo môi trường khơi nguồn sáng tạo cho học sinh phát triển toàn diện.

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học - Huế Nguyễn Phú Thọ chia sẻ, nhà trường luôn coi trọng việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh một cách toàn diện, trong đó có mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo ông Thọ, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển năng lực học sinh là sự thay đổi về nhận thức, thói quen với tư duy “học để thi”, đặt nặng điểm số và thành tích hơn là kỹ năng, phẩm chất và sự trưởng thành. Học sinh học lệch, học tủ, ngại sáng tạo; xã hội có xu hướng đánh giá chất lượng giáo dục qua tỷ lệ đỗ đại học, giải thưởng, hoặc bảng xếp hạng, thay vì nhìn nhận toàn diện năng lực học sinh; việc này cần sự kiên trì và đồng bộ trong truyền thông, nhà trường, gia đình và xã hội nhằm tạo sự đồng thuận và niềm tin vào hướng đi mới của giáo dục.

Ông Thọ cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là phát triển năng lực học sinh, giáo viên cần được hỗ trợ 3 phương diện: Chuyên môn, công cụ, môi trường làm việc. “Chúng tôi luôn nỗ lực tạo điều kiện để giáo viên không chỉ là người dạy học mà còn là người truyền cảm hứng, đồng hành cùng học sinh trong hành trình khám phá và phát triển năng lực của bản thân”, ông Thọ chia sẻ.

BẢN SẮC VĂN HÓA LÀM NÊN PHẨM CHẤT

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, thành phố Huế chú trọng phát triển năng lực công dân toàn cầu; giáo dục đạo đức, truyền thống, văn hóa Huế với các nội dung phát triển bền vững, nhân quyền, môi trường và hội nhập quốc tế. Thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, cải tạo phòng học, nhà đa năng, thư viện thông minh và phòng tin học.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tân, một số khu vực vùng ven, vùng khó còn thiếu phòng chức năng, thiết bị dạy học, hạ tầng internet. Trước thực trạng đó, Huế đã xây dựng lộ trình rút ngắn khoảng cách về số hóa và chất lượng giáo dục.

“Huế là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, giàu di sản và chiều sâu lịch sử, là cái nôi của nghệ thuật truyền thống và giáo dục nhân văn. Việc lồng ghép, tích hợp các giá trị văn hóa Huế vào giáo dục phổ thông được thành phố đặc biệt quan tâm và xem đó là một định hướng lớn trong quá trình xây dựng bản sắc riêng cho giáo dục Huế”, đồng chí Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Theo ông Tân, thời gian qua, nhiều chương trình giáo dục địa phương được biên soạn, đưa vào giảng dạy ở các cấp học, tập trung vào các nội dung như: Lịch sử vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân, ca Huế, nhã nhạc cung đình, trang phục, ẩm thực Huế, phong tục - tập quán cung đình và dân gian; học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm tại di tích, bảo tàng, làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa dân tộc.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức chương trình “Giáo dục Di sản”, giúp học sinh được tìm hiểu văn hóa truyền thống của địa phương trong không gian văn hóa sống động. Triển khai mô hình “Trường học di sản trong lòng thành phố di sản”, lồng ghép không gian vườn Huế, áo dài ngũ thân, ca Huế vào trải nghiệm học đường, giúp học sinh cảm nhận, trân trọng và lan tỏa các giá trị văn hóa Huế trong thời đại mới.

Hằng năm, các chương trình vinh danh “Học sinh danh dự toàn trường” toàn thành phố được tổ chức trọng thị tại Quốc Tử Giám - Di Luân Đường trong trang phục áo dài truyền thống, đây là hoạt động có ý nghĩa tôn vinh sự học, góp phần giáo dục truyền thống khoa bảng và các giá trị về bảo tồn di sản cho học sinh các nhà trường và toàn xã hội.

Giáo dục thành phố Huế hôm nay vừa hướng đến hiện đại, hội nhập, vừa gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc. Thế hệ học sinh không chỉ tiếp thu tri thức, mà còn được nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển phẩm chất thẩm mỹ và ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, điều rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa.

Bài và ảnh: VÕ HOÀNG OANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/uom-mam-cong-dan-toan-cau-post893715.html