Ươm mầm thi đua yêu nước
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề 'Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh'.
Trưng bày góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của phong trào thi đua yêu nước trong các giai đoạn cách mạng.
Khơi dậy tinh thần thi đua trong mỗi người Việt
Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Dưới ánh sáng tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, trải qua những chặng đường nối tiếp với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước phát triển theo một dòng chảy liên tục, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 7 thập kỷ qua.
Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Thực hiện lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết một lòng, đem hết sức mình tham gia kháng chiến và kiến quốc thành công. Từ đó, phong trào thi đua đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng qua các thời kỳ, trong các tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang, với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần quan trọng, động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thông qua trưng bày, khẳng định ý nghĩa, vị trí, vai trò và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam, đồng thời là những minh chứng, những tấm gương sống động thể hiện tinh thần mỗi “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó, khơi dậy tinh thần thi đua trong mỗi con người Việt Nam, góp phần dựng xây Tổ quốc, ươm những mầm xanh vì sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Các tài liệu, hiện vật được trưng bày theo ba phần: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua ái quốc"; "Thi đua là yêu nước - Yêu nước thì phải thi đua" và "Khát vọng tuổi trẻ - Ươm những mầm xanh".
200 hiện vật quý
Trong số 200 hiện vật, nổi bật có Sưu tập hiện vật của các đơn vị, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua qua các thời kỳ như: “Dụng cụ chế tạo vũ khí” Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; “Sắc cốt” kỷ vật của Anh hùng Quân đội Cù Chính Lan; Kiếm Anh hùng Quân đội Đinh Núp dùng để tự vệ và chiến đấu trong thời gian chống giặc Pháp ở Tây Nguyên; “Cuốc” Anh hùng Lao động Hoàng Hanh ở Nam Đàn (Nghệ An) dùng trong sản xuất nông nghiệp; Đèn phòng không (làm bằng hộp đạn) sáng kiến của tập thể giáo viên Trường phổ thông cơ sở xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), đơn vị lá cờ đầu toàn miền Bắc trong phong trào “Hai tốt”, dùng thắp sáng để dạy học trong chiến tranh; “Thuổng” Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Hiền, công an xã Quảng Phú (Quảng Bình) dùng đào hầm bị sập, cứu sống 61 người trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; một số dụng cụ y tế Giáo sư, Bác sỹ, Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng đã sử dụng để khám, điều trị cho bệnh nhân.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, trưng bày chuyên đề được sắp xếp theo tiến trình lịch sử khiến người xem dễ theo dõi quá trình hình thành, phát triển và cả những bài học được rút ra trong 75 năm thực hiện phong trào Thi đua ái quốc. Từ lịch sử ấy, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, giới trẻ cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của mình trong thời đại mới. “Phong trào thi đua yêu nước là vô cùng cần thiết trong thời đại mới, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Tôi rất mong phong trào thi đua này bắt đầu từ các bạn trẻ. Bởi giới trẻ là những người biết tiếp thu giá trị truyền thống của cha anh đồng thời phát huy nó trong thời đại mới”, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu.
Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, cô gái vàng" vừa đoạt 4 HCV điền kinh ở SEA Games 32 Nguyễn Thị Oanh đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam bộ đồ tập thể thao cô dùng để luyện tập tại Campuchia.
Nữ vận động viên chia sẻ: "Học theo Bác, làm theo Bác không phải điều gì quá lớn lao, to tát. Chúng ta hãy những việc tốt dù nhỏ nhất, điều đó cũng đã có ý nghĩa, thể hiện tinh thần yêu nước. Tôi mong muốn, những nỗ lực, cố gắng của bản thân cũng sẽ truyền cảm hứng, động lực cho các bạn trẻ không ngừng hăng say lao động, học tâp và rèn luyện để trở thành những người có ích".
Cùng với đó, Anh hùng lao động, NGND Nguyễn Đức Thìn cũng đã trao tặng hiện vật gồm máy ảnh và bản thảo sách viết về phong trào thi đua nghìn việc tốt của ông cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NGND Nguyễn Đức Thìn cho hay, việc trao tặng bản thảo cuốn sách thi đua nghìn việc tốt của ông nhằm lan tỏa phong trào, đặc biệt là các bạn trẻ, để họ nhân lên nhiều người tốt, việc tốt, để cả dân tộc ta sẽ là “một rừng hoa đẹp”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/uom-mam-thi-dua-yeu-nuoc.html