Uống bổ sung vitamin D quá liều, trẻ 6 tháng tuổi bị ngộ độc nặng
Ngày 2/5, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, bệnh viện này vừa tiếp nhận bệnh nhi N.V (6 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng quấy khóc, nôn, đi tiểu nhiều, có dấu hiệu mất nước nặng và giảm 0,7kg trong vòng 1 tháng do ngộ độc vitamin D.
Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình được một người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống nhau (1 lọ dành cho người lớn và 1 lọ dành cho trẻ em).
Do nghĩ cả 2 lọ vitamin D này đều dùng được cho trẻ em, gia đình đã cho bé N.V uống nhầm lọ vitamin D3+K2 MK7 5000IE/ 200μg dành cho người lớn với liều lượng 3 giọt/ngày (5.000UI/giọt), có nghĩa là trẻ đã uống xấp xỉ 15.000 UI/ngày (cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi). Chỉ khi bác sĩ thông báo trẻ bị ngộ độc vitamin D và đối chiếu với lọ thuốc trẻ uống thì mới phát hiện ra sự nhầm lẫn.
TS.BS Thái Thiên Nam - Phó Trưởng khoa Thận và Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị tăng canxi máu toàn phần, tăng canxi inon hóa, nồng độ vitamin D3 tăng rất cao là 1.320ng/ml (giới hạn bình thường: 50 – 250 ng/ml).
Tại bệnh viện, trẻ được chỉ định ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D, truyền dịch và dùng thuốc lợi tiểu để bù lại lượng dịch mất do nôn, tiểu nhiều và đào thải canxi máu,… Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của trẻ đã cải thiện nhiều nhưng vẫn tiếp tục tạm ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D trong vòng ít nhất 6 tháng…
Theo TS.BS Thái Thiên Nam, ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp và khó chẩn đoán vì triệu chứng không đặc hiệu, tuy nhiên tại bệnh viện hàng năm vẫn tiếp nhận một số trường hợp trẻ ngộ độc vitamin D. Nguyên nhân thường do cha mẹ bổ sung vitamin D liều quá cao cho trẻ trong thời gian dài, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần tuân thủ những biện pháp sau:
– Không nên tự ý mua các thực phẩm chức năng, các loại vitamin thuốc cho trẻ uống khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ. Khi cần dùng thuốc cho trẻ phải được bác sĩ kê đơn, không lấy thuốc của người lớn hoặc thuốc của trẻ khác cho trẻ dùng.
– Các loại thuốc, vitamin cần để xa tầm tay của trẻ nhỏ hoặc để vào tủ riêng và có khóa;
– Các loại thuốc, vitamin, cần được bảo quản ở nơi khô ráo, đựng trong hộp, lọ kín, có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng đi kèm và hạn sử dụng;
– Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ thuốc của gia đình, không được tiếp tục sử dụng thuốc bị hỏng hay thuốc đã quá hạn;
– Khi uống thuốc không nên để trẻ nhìn thấy vì trẻ sẽ bắt chước làm theo;
– Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần phải nắm rõ công dụng, liều lượng, đối tượng sử dụng của từng loại thuốc, vitamin và dùng đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.