Uống đủ nước hàng ngày làm chậm lão hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính
NIH khuyến nghị phụ nữ nên uống 2,7 lít nước mỗi ngày và nam giới là 3,7 lít.
Uống đủ nước là rất quan trọng đối với chức năng của các bộ phận trong cơ thể cũng như điều chỉnh nhiệt độ và duy trì sức khỏe của da.
Theo một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) tại Mỹ được công bố trên tạp chí eBioMedicine, uống đủ nước cũng liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính, giảm nguy cơ tử vong sớm hoặc giảm nguy cơ lão hóa sớm
Tác giả nghiên cứu Natalia Dmitrieva, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm y học Tái tạo tim mạch tại Viện tim, phổi và máu quốc gia, một bộ phận của NIH, cho biết: "Kết quả cho thấy rằng hydrat hóa có thể làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài cuộc sống không bệnh tật".
Hydrat hóa là quá trình bổ sung các phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ. Uống đủ nước sẽ tạo điều kiện cho các phản ứng hydrat hóa được diễn ra nhiều hơn nhằm bổ sung nước cho các cơ quan trong cơ thể.
Các tác giả nghiên cứu cho biết việc tìm hiểu những phương pháp làm chậm quá trình lão hóa là "một thách thức lớn của y học dự phòng". Đó là bởi vì các bệnh mãn tính do tuổi tác đang có xu hướng gia tăng khi dân số thế giới già đi nhanh chóng. Việc kéo dài tuổi thọ trong khỏe mạnh có thể giúp cải thiện chất lượng sống và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Các tác giả cho rằng hydrat hóa tối ưu có thể làm chậm quá trình lão hóa, dựa trên nghiên cứu tương tự trước đây ở chuột. Theo nghiên cứu mới, việc hạn chế uống nước làm tăng natri máu ở chuột lên 5 milimol trên lít và rút ngắn tuổi thọ của chúng xuống 6 tháng, tương đương với khoảng 15 năm tuổi thọ của con người. Natri máu có thể đo được trong máu và tăng lên khi chúng ta uống ít nước hơn.
Sử dụng dữ liệu sức khỏe được thu thập trong hơn 30 năm từ 11.255 người trưởng thành da màu và da trắng từ nghiên cứu Rủi ro Xơ vữa động mạch trong Cộng đồng (ARIC), nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những người trưởng thành có nồng độ natri máu ở mức cao hơn mức bình thường từ 135 - 146 mmol/l có kết quả sức khỏe tồi tệ hơn so với những người ở mức thấp hơn. Việc thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1987 khi những người tham gia ở độ tuổi 40 hoặc 50 và độ tuổi trung bình của những người tham gia ở lần đánh giá cuối cùng trong thời gian nghiên cứu là 76.
Những người trưởng thành có mức trên 142 mmol/l có nguy cơ già hơn về mặt sinh học so với tuổi theo thời gian cao hơn từ 10%-15% so với những người trong khoảng 137-142 mmol/l. Những người tham gia có nguy cơ lão hóa nhanh hơn cũng có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như suy tim, đột quỵ, rung tâm nhĩ, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh phổi mạn tính, tiểu đường và chứng mất trí cao hơn 64%.
Và những người có mức trên 144 mmol/l có nguy cơ già hơn về mặt sinh học cao hơn 50% và nguy cơ tử vong sớm cao hơn 21%. Mặt khác, người trưởng thành có nồng độ natri huyết thanh từ 138 đến 140 mmol/l có nguy cơ mắc bệnh mạn tính thấp nhất. Nghiên cứu không có thông tin về lượng nước mà những người tham gia đã uống.
Tiến sĩ Howard Sesso, PGS y khoa tại trường Y Harvard (Mỹ) cho biết: "Nghiên cứu này bổ sung bằng chứng củng cố lợi ích lâu dài của việc cải thiện quá trình hydrat hóa đối với sức khỏe con người, bao gồm cả tỷ lệ tử vong".
Tuổi sinh học được xác định bởi các dấu ấn sinh học đo lường hiệu suất của các hệ thống và các cơ quan nội tạng khác nhau, bao gồm tim mạch, thận (liên quan đến thận), hô hấp, chuyển hóa, miễn dịch và các dấu ấn sinh học viêm nhiễm.
Nồng độ natri máu cao không phải là yếu tố duy nhất liên quan đến bệnh tật, tử vong sớm và nguy cơ lão hóa nhanh hơn. Nguy cơ này cũng cao hơn ở những người có nồng độ natri máu thấp.
Các tác giả cho biết, phát hiện này phù hợp với các báo cáo trước đây về tỷ lệ tử vong và bệnh tim mạch gia tăng ở những người có nồng độ natri máu thường xuyên thấp, được cho là do các bệnh gây ra các vấn đề về điện giải.
Các tác giả cho biết, nghiên cứu đã phân tích những người tham gia trong một thời gian dài, nhưng những phát hiện này không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa nồng độ natri máu và những kết quả sức khỏe này. Họ nói thêm rằng, cần có những nghiên cứu sâu hơn.
Theo một số nghiên cứu mà các tác giả của nghiên cứu mới đã trích dẫn, khoảng một nửa số người trên toàn thế giới không đáp ứng các khuyến nghị về tổng lượng nước uống hàng ngày.
"Ở cấp độ toàn cầu, điều này có thể có tác động lớn. Hàm lượng nước trong cơ thể giảm là yếu tố phổ biến nhất làm tăng natri máu, đó là lý do tại sao kết quả cho thấy việc uống đủ nước có thể làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh mãn tính", Dmitrieva nói.
Nồng độ natri máu bị ảnh hưởng bởi lượng chất lỏng từ nước và các chất lỏng khác từ trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao.
Theo Cleveland Clinic, hơn 50% cơ thể được tạo thành từ nước, nước cũng cần thiết cho nhiều chức năng, bao gồm tiêu hóa thức ăn, tạo ra hormone và chất dẫn truyền thần kinh, đồng thời cung cấp oxy đi khắp cơ thể bạn .
NIH khuyến nghị phụ nữ nên uống 2,7 lít nước mỗi ngày và nam giới là 3,7 lít. Khuyến nghị này bao gồm tất cả các chất lỏng và thực phẩm giàu nước như trái cây, rau và súp. Những người có tình trạng sức khỏe không tốt nên nói chuyện với bác sĩ về lượng chất nước phù hợp.
Đồng tác giả nghiên cứu, TS Manfred Boehm, Giám đốc Phòng thí nghiệm Y học Tái tạo Tim mạch, cho biết: "Mục tiêu là đảm bảo bệnh nhân uống đủ nước, đồng thời đánh giá các yếu tố, chẳng hạn như thuốc, có thể dẫn đến mất nước. Các bác sĩ cũng có thể cần phải trì hoãn kế hoạch điều trị hiện tại của bệnh nhân, chẳng hạn như hạn chế lượng nước uống đối với bệnh suy tim".
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc uống nước, hãy tập thói quen này bằng cách thử để một cốc nước cạnh giường để uống khi bạn thức dậy hoặc uống nước trong khi pha cà phê buổi sáng. Chuyên gia khoa học hành vi, Tiến sĩ BJ Fogg đã nói rằng, hãy cố định thói quen uống nước của bạn ở một địa điểm mà bạn đến vài lần mỗi ngày .