Uống nước muối giúp thải độc cơ thể hay hủy hoại thận?
Các bác sĩ cảnh báo hành vi uống nước muối đậm đặc có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
"Họ nói rằng dùng nhiều muối sẽ bị bệnh thận, huyết áp tăng... Với mình, uống nước muối mang lại giá trị sức khỏe rất nhiều nhưng Tây y, khoa học, truyền thông họ bác bỏ. Người bị thận, suy thận, huyết áp cao rất cần uống muối".
Đây là nội dung trong một video của tài khoản TikTok có tên B.T.V. đã đăng tải. Những video của người này thu hút nhiều sự chú ý của dư luận khi liên tục chia sẻ về việc uống nước muối đậm đặc mỗi ngày.
Bên cạnh những người phản đối, cho rằng đây là phương pháp "chữa lành" phản khoa học, không ít người lại ủng hộ, cổ vũ và cho biết họ cũng đang thực hiện giống như tài khoản B.T.V.
Uống 35 g muối mỗi ngày
Trong các video đăng tải, người đàn ông này cho hay bản thân ăn chay trường đã lâu và có thói quen uống 3-4 cốc nước muối đậm đặc mỗi ngày. Đáng chú ý, chủ kênh trên đã đăng clip uống một cốc nước với 35 g muối. Trong ngày trước đó, anh cho hay đã uống 36 g muối.
Người đàn ông này cũng chia sẻ nhiều cách uống nước muối khác nhau để tăng cường sức khỏe như pha cùng nước mía, gừng hoặc vắt thêm chanh.
"Mục đích của mình là muốn mang lại sức khỏe cho mọi người một cách tự nhiên, không cần tốn kém đến bệnh viện khám bệnh, mổ xẻ. Nếu ngành y, khoa học phát triển thì bệnh viện phải ít lại, người dân phải khỏe hơn", chủ kênh B.S.T. chia sẻ trong một clip gần đây.
Bất chấp những lời cảnh báo về việc tiêu thụ muối quá mức có thể gây hại cho sức khỏe, người đàn ông này bác bỏ và đăng tải thêm nhiều nội dung khác như uống nước mía gừng, sả, chanh, muối để chữa bệnh tiểu đường, huyết áp.
Tương tự, tài khoản TikTok có tên T.H. cũng chia sẻ về cách uống nước muối để thải độc, tiêu hóa tốt hơn, thậm chí phòng được bệnh ung thư dạ dày, đại tràng.
Người phụ nữ này cho hay bản thân đã áp dụng cách uống 500 ml nước muối vào mỗi sáng suốt 2 năm.
Lan truyền những trào lưu nguy hiểm
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho hay đây là trào lưu phản khoa học.
"Khi nồng độ muối trong máu cao hơn mức bình thường thì có thể giúp giảm áp lực nội sọ (giảm đau đầu), tăng lưu lượng máu não... Vì vậy, người uống có thể cảm thấy dễ chịu hơn trong chốc lát", ông phân tích lý do một số người cảm thấy khỏe khoắn hơn sau khi uống nước muối.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh khi ăn quá nhiều muối, người dân sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe như tăng giữ nước, làm tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Tăng đào thải natri đồng thời đào thải calci, khiến cơ thể mất canxi dẫn tới loãng xương và dễ hình thành sỏi thận.
"Bên cạnh đó, việc này cũng ảnh hưởng tới hệ thần kinh khiến người dùng dễ cáu gắt, tim đập nhanh hơn, co thắt mạch máu nhiều hơn trong khi lại làm giảm nhu động ruột khiến quá trình tiêu hóa bị ngừng trệ. Một số nghiên cứu cho thấy người ăn mặn có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn người ăn nhạt", vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, nhấn mạnh người bệnh thận và cao huyết áp được khuyến cáo ăn ít muối.
Nếu uống nước muối đậm đặc, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng nhu cầu uống nước, làm tăng khối lượng tuần hoàn và tạo áp lực lên tim, dẫn đến tình trạng suy tim.
"Người đã suy thận, tăng huyết áp nếu uống nước muối đậm đặc không khác gì tự đưa mình đến nguy cơ tử vong nhanh chóng. Đây là một thông tin độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh", BS Mạnh bức xúc nói.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 2 g natri mỗi ngày (tương đương 5 g muối). Hiện người Việt tiêu thụ khoảng 9,5 g/ngày, tương đương 3,8 g natri, tức đã gần gấp đôi khuyến cáo của WHO.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, chọn lọc thông tin và tuyệt đối không làm theo những trào lưu thiếu kiểm chứng từ khoa học. Những video này thường thu hút rất nhiều lượt xem nhờ vào tính chất "độc lạ" nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.