Uống nước nhớ nguồn
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Ngày thành lập nước, Chính phủ đã trình Chủ tịch nước tặng quà người có công với cách mạng cùng thân nhân của người có công với cách mạng. Mức quà tặng là 500.000 đồng/người/2 dịp; thực hiện chi 1 lần vào dịp 30-4; dự kiến tổng kinh phí hơn 834 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện chỉ đạo chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5 từ ngày 25-4 đến ngày 28-4 nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, người lao động vui đón mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thực hiện chính sách an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng.
Hiện nay, cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng. Việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thường được thực hiện từ ngày 2 đến ngày 10 của tháng. Vì thế, chi trả sớm lương hưu, trợ cấp rất thiết thực, có ý nghĩa, hợp lòng dân và mang tính nhân văn cao, là niềm vui nhân đôi cho người có công, người hưu trí trong ngày lễ lớn của dân tộc.
Đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công. Trong đó, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, cao hơn 1 bậc so với mức lương cơ sở.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát do hậu quả của chiến tranh, sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước càng phát triển, chúng ta càng tự hào và mãi ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của những người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu, cống hiến, hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Suốt những năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Chúng ta cũng thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, với chế độ ưu đãi ngày một nâng cao, gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh chính sách người có công, hàng loạt chính sách an sinh đã được triển khai mạnh mẽ thời gian qua như: hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19; miễn học phí; xóa nhà tạm, nhà dột nát; chủ trương tiến đến miễn viện phí cho toàn dân… với mục đích để mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều đó đã khiến người dân càng tin tưởng hơn vào sự ưu việt của chế độ ta.
Mỗi ngày lễ trọng đại của đất nước đến, chúng ta lại càng tưởng nhớ đến công lao của những người đi trước, những người đã hy sinh, mất một phần xương máu cho quê hương đất nước. Vì thế, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ; đòi hỏi chúng ta thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công để người có công, người nghèo... không ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/uong-nuoc-nho-nguon-post792173.html