Uống trà đặc có tốt? Những người cần cẩn trọng khi uống trà để tránh rước họa vào thân
Trà là đồ uống truyền thống gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam. Gần như trong gia đình mỗi người Việt đều có một bộ ấm trà dùng để tiếp khách.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn Dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), cho biết, trà là thứ nước uống được sử dụng lâu đời. Trà có nhiều loại khác nhau như: trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long, tất cả đều được làm từ lá của một loại cây có tên trà hay chè (Camellia sinensis). Trong mỗi loại trà có chứa lượng tannin với hàm lượng khác nhau. Tannin là một loại hợp chất hóa học nằm trong một nhóm các hợp chất gọi là polyphenol có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Một trong những tannin chính được tìm thấy trong trà là epigallocatechin gallate (EGCG). Một số nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy EGCG có thể giúp giảm viêm, bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, phòng ngừa bệnh mạn tính, bệnh tim và ung thư.
Trước câu hỏi uống trà đặc có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không? Bác sĩ Hưng cho rằng hiện nay, trà chúng ta thường pha theo nhúm, vốc nên việc đặc hay nhạt sẽ mang tính chất định tính với từng cá thể. Có người đã quen uống với trà pha đặc nhưng có người thì lại uống nhạt. Hiện cũng chưa có nghiên cứu cụ thể pha lượng bao nhiêu thì trà sẽ đặc.
"Nhưng nếu pha trà mà ai cũng cũng kêu là quá đặc thì cần phải thay đổi và pha loãng hơn. Trà là thứ nước uống truyền thống có thể sử dụng hàng ngày nếu sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, khi trà uống quá đặc cũng không tốt cho cơ thể vì có thể gây ra mất ngủ, bồn chồn, lo âu", bác sĩ Hưng nói.
Cũng theo bác sĩ Hưng, một số nghiên cứu cũng chỉ ra uống trà nhiều sẽ ảnh hưởng tới hấp thu sắt và một số vi chất khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu này cũng chưa thực sự đầy đủ và thuyết phục và cần phải nghiên cứu thêm.
BS dinh dưỡng Lê Thị Thư cho hay, người Việt thường có thói quen uống trà ngay sau bữa ăn. Nếu uống trà ngay sau bữa ăn, chất tannin trong trà có thể gây rối loạn tiêu hóa vì nó kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hơn, gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, nếu dùng lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe con người.
Trà là đồ uống có thể uống bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, với những người nhạy cảm, có bệnh lý dạ dày cần tránh uống trà khi đói. Hoặc nếu có uống thì nên pha loãng để tránh các vấn đề không tốt có thể ảnh hưởng tới dạ dày.
Theo chuyên gia, trà không thích hợp cho trẻ nhỏ vì nó có thể cản trở quá trình hấp thu và trao đổi chất của hệ tiêu hóa do axit trong trà phản ứng kết tủa với một số dưỡng chất trong cơ thể.
Người có bệnh đái tháo đường, người bị bệnh gan cũng không nên dùng trà xanh bởi chất caffeine sẽ tham gia vào quá trình trao đổi chất của gan, khiến cho chức năng gan bị suy yếu.
Phụ nữ có thai cũng không nên uống nhiều trà, do tannin có thể ngăn cản hấp thu acid folic của cơ thể. Phụ nữ đang mang thai dưới 12 tuần tuổi - giai đoạn thai nhi cần nhiều acid folic - nên hạn chế uống nhiều loại thức uống này.
Người già khó ngủ, không nên uống trà vì sẽ làm tăng thêm tình trạng khó ngủ, nhất là vào buổi tối.
Thời điểm uống trà tốt nhất theo bác sĩ Thư khuyên là sau khi ăn khoảng 30 - 60 phút. Không nên uống trà vào buổi tối vì bạn sẽ rất dễ bị mất ngủ. Người có chỉ số acid uric cao cũng cần thận trọng vì nước trà gây tăng đáng kể chỉ số này hoặc gây ra cơn gout cấp. Người bị bệnh thiếu máu thiếu sắt cũng không nên uống trà.