Uống trà sữa có gây suy thận?
Trà sữa là một loại đồ uống ưa thích của nhiều người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng đằng sau vẻ ngọt ngào và những món topping ngon miệng, trà sữa lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, trong đó có suy thận.
NỘI DUNG
1. Trong trà sữa có gì?
2. Những nguy hiểm tiềm ẩn khi tiêu thụ trà sữa thường xuyên
3. Lưu ý khi uống trà sữa để bảo vệ sức khỏe
Tại nước ta chưa có thống kê chính thức số người gặp các vấn đề về sức khỏe do trà sữa. Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận ngày càng có nhiều trường hợp người trẻ bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì do lạm dụng trà sữa và đồ ăn nhanh.
Theo ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị, một trong những nguyên nhân khiến suy thận ngày càng trẻ hóa là do lối sống không lành mạnh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh lý chuyển hóa như gout, tăng huyết áp, đái tháo đường, là những yếu tố làm tăng nguy cơ suy thận ở người trẻ.
1. Trong trà sữa có gì?
Một ly trà sữa thông thường có thể chứa lượng đường cao hơn rất nhiều so với lượng đường trong 1 lon nước ngọt, thậm chí cao hơn đến 3-4 lần. Lượng đường "khổng lồ" này buộc thận phải làm việc quá sức để lọc và bài tiết.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một ly trà sữa size L (700 ml) chứa khoảng 100 g đường, đó là chưa tính đến các loại đồ đi kèm thường được gọi là topping như kem, phô mai, bánh pudding... Như vậy, tính chung một cốc sẽ cung cấp khoảng 400 kcal. Trong khi theo khuyến nghị, người khỏe mạnh một ngày chỉ nên nạp vào cơ thể 40-50 g đường.
Các nghiên cứu đã cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận, khi các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương nghiêm trọng do đường huyết cao kéo dài.

Trơng trà sữa chứa nhiều đường bổ sung và một lượng lớn chất béo chuyển hóa không tốt cho cơ thể.
Một trong những thành phần chủ yếu của trà sữa bao gồm kem béo, bột béo không sữa (Non-dairy creamer), là thành phần tạo nên độ ngậy, béo cho trà sữa. "Bột béo không sữa" thực chất là sản phẩm hóa học có chứa chất béo chuyển hóa (trans fat) và nhiều chất phụ gia. Chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol xấu (LDL), gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch - là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tổn thương mạch máu nhỏ trong thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Việc tích tụ chất béo không lành mạnh cũng góp phần gây gan nhiễm mỡ, làm ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa và gián tiếp gây áp lực lên thận.
Các loại topping thường có trong trà sữa như trân châu, thạch, pudding chủ yếu được làm từ tinh bột (tinh bột sắn), đường và các phụ gia, hương liệu. Chúng làm tăng thêm lượng đường và carbohydrate tinh chế nạp vào cơ thể, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa thành chất béo và gây gánh nặng cho gan, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến thận.
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Uống quá nhiều trà sữa có thể gây rối loạn chuyển hóa, tăng cân, béo phì.
Để tạo ra nhiều hương vị đa dạng, trà sữa thường sử dụng rất nhiều hương liệu và phụ gia hóa học. Nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ chứa các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P - dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ). Việc thường xuyên nạp vào cơ thể một lượng lớn các chất tổng hợp có thể khiến gan và thận phải làm việc quá tải, lâu dần dẫn đến suy giảm chức năng.
2. Những nguy hiểm tiềm ẩn khi tiêu thụ trà sữa thường xuyên
Việc tiêu thụ trà sữa thường xuyên, đặc biệt với những người có thói quen uống 2-3 ly/tuần hoặc thậm chí mỗi ngày, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có suy thận.
Theo Hiệp hội Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), bản thân đường không phải là vấn đề đối với thận trừ khi lượng đường trong máu tăng quá cao. Khi lượng đường trong máu tăng cao hơn 180 mg/dl, thận bắt đầu thải đường vào nước tiểu. Lượng đường trong máu càng cao, lượng đường thải ra trong nước tiểu càng nhiều, quá nhiều đường có thể gây tổn thương thận.
Khi nạp đường tinh chế thường xuyên sẽ khiến lượng đường huyết cao liên tục, về lâu dài gây tổn thương các nephron (đơn vị lọc của thận), dẫn đến bệnh thận do đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát có thể làm hỏng các mạch máu của thận và phá hủy các bộ lọc của thận, có nguy cơ dẫn tới suy thận.
Chất béo không lành mạnh và lượng muối tiềm ẩn trong một số thành phần trà sữa có thể góp phần gây tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, từ đó ảnh hưởng xấu đến thận.
Lượng calo rỗng và đường cao trong trà sữa dễ gây tăng cân không kiểm soát, dẫn đến béo phì. Béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập gây bệnh thận và làm trầm trọng thêm các bệnh lý khác như đái tháo đường, tăng huyết áp.
Gan phải chuyển hóa một lượng lớn đường và chất béo từ trà sữa, dẫn đến nguy cơ gan nhiễm mỡ, làm giảm khả năng thải độc của cơ thể, gián tiếp gây thêm áp lực cho thận. Thận phải làm việc liên tục để xử lý và loại bỏ các chất không cần thiết, độc tố và lượng đường dư thừa. Việc này kéo dài sẽ khiến thận kiệt sức và suy giảm chức năng theo thời gian.

Do chứa nhiều đường và calo nên uống quá nhiều trà sữa có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng.
3. Lưu ý khi uống trà sữa để bảo vệ sức khỏe
Nếu không thể từ bỏ món trà sữa ngon miệng, nên hạn chế tần suất tiêu thụ. Thay vì uống hàng ngày, hãy giảm xuống còn 1-2 lần mỗi tuần, hoặc chỉ thỉnh thoảng uống trà sữa trong những dịp đặc biệt.
Người tiêu dùng nên chọn trà sữa đảm bảo các tiêu chí như chế biến tại các cửa hàng uy tín, sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại ít đường hoặc không đường, sử dụng sữa tươi để pha trà sữa, không phải sữa đặc hay kem béo. Khi uống trà sữa nên giảm đường, giảm béo. Yêu cầu người pha chế giảm 50-70% đường hoặc thậm chí không đường. Hạn chế kem cheese, trân châu và các loại topping nhiều đường khác.
Lựa chọn thay thế lành mạnh, thay vì trà sữa, hãy chọn các loại đồ uống tự nhiên như trà xanh, trà đen không đường, nước ép trái cây tươi (không thêm đường), nước mơ muối, chanh muối, chanh tươi (hạn chế tối đa đường bổ sung) hoặc tốt nhất là uống nước lọc giúp thận hoạt động hiệu quả.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/uong-tra-sua-co-gay-suy-than-169250630135740225.htm