Urawa Red Diamonds - Hà Nội FC 6-0: Đẳng cấp khác biệt
Hà Nội FC đã thua Urawa Red Diamonds (URD) - đội đương kim vô địch AFC Champions League với tỉ số 0-6. Chúng ta thấy gì qua trận thua toàn diện này?
Dù sinh sau đẻ muộn khi chỉ mới được thành lập vào năm 2006, nhưng Hà Nội là đội mạnh nhất bóng đá Việt Nam (BĐVN) khi có đến 6 lần vô địch quốc gia, 3 lần đoạt Cúp quốc gia và đang là đội giữ kỷ lục 5 lần đoạt Siêu cúp quốc gia.
Hà Nội FC cũng từng vào đến tứ kết AFC Cup 2014, vô địch khu vực Đông Nam Á và vào đến chung kết liên khu vực Đông Á của AFC Cup 2019. Đây cũng là thành tích tốt nhất của một câu lạc bộ BĐVN tại đấu trường châu lục.
Họ cũng là đội bóng có hệ thống đào tại bóng đá trẻ hiệu quả nhất BĐVN với kỷ lục 6 lần vô địch giải U.19 quốc gia, 6 lần vô địch giải U.21 quốc gia.
Với mong muốn trở thành CLB đầu tiên của BĐVN vượt qua vòng bảng AFC Champions League, bầu Hiển đã chiêu mộ thêm 3 ngoại binh để Hà Nội có thể ra sân với đội hình xuất phát có 6 ngoại binh, trong đó có một người gốc châu Á như điều lệ giải cho phép. Ngay cả việc mời HLV Bandovic, người có kinh nghiệm dẫn dắt câu lạc bộ Burinam (Thái Lan) vào đến vòng 1/16 AFC Champions League cũng đủ nói lên tập thể Hà Nội FC không chỉ nói mà còn làm tất cả để biến giấc mơ thành hiện thực.
Thế nhưng lá thăm oan nghiệt đã đẩy Hà Nội FC vào bảng J quá nặng gồm đương kim vô địch URD cũng như cựu vô địch Pohang Steelers. Khi gặp hai đội này, Hà Nội FC đều thua cách biệt 0-6 và 2-4.
Chỉ riêng thành tích ở AFC Champions League đã cho thấy sự khác biệt quá rõ giữa Hà Nội FC - đội lần đầu được thi đấu ở giải đỉnh cao này của châu lục - khi so với Pohang Steelers và URD. Nếu như giá trị chuyển nhượng của cả 6 ngoại binh Hà Nội FC chỉ là 2,7 triệu USD, thì chỉ riêng trung vệ người Đan Mạch của URD là Alexander Scholz đã có giá trị 2,2 triệu USD. Và chúng ta đã thấy Scholz chỉ huy bức tường phòng thủ vững chắc của URD ra sao trong trận đấu với Hà Nội FC.
Mãi đến phút 40, Hà Nội FC mới có cú đánh đầu của tiền đạo Joel Tagueu gây khó khăn cho thủ môn URD. Vài phút sau đó, Tagueu lại tung tiếp cú sút chân trái nhưng vẫn không đưa bóng được vào lưới khi thủ môn URD thể hiện quá xuất sắc. Với những gì diễn ra trên sân, chỉ có mỗi Tagueu mới có thể đủ tài năng gây khó khăn cho các cầu thủ URD. Còn lại, tất cả cầu thủ Hà Nội từ nội binh đến ngoại binh đều dưới tầm so với đối phương.
Cách biệt trình độ cá nhân dẫn đến thua tổng thể trong lối chơi đồng đội. Thủ môn Bùi Tấn Trường đã hứng chịu gần 30 pha dứt điểm và 6 lần vào lưới nhặt bóng, trong đó có 2 cú sút phạt 11m và 1 pha phản lưới nhà của Tuấn Hải.
Hà Nội FC có những phút lóe sáng cuối hiệp một khi tạo được áp lực đáng kể lên hàng phòng ngự URD, hay như cú sút gần cuối hiệp 2 của Tuấn Hải khiến thủ môn URD phải bay người đẩy bóng bật xà ngang. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ khỏa lấp được khoảng cách quá lớn về phong độ lẫn đẳng cấp giữa hai đội.
Xem URD trình diễn, chúng ta càng hiểu rõ hơn vì sao Đặng Văn Lâm - thủ môn số 1 Việt Nam vẫn chưa đủ trình độ chơi ở J-League 1. Hay như tuyển thủ quốc gia Việt Nam Nguyễn Công Phượng cả mùa bóng 2023 khoác áo cho Yokohama FC mà chỉ ra sân thi đấu vỏn vẹn 2 phút. Có chi tiết đáng chú ý là Yokohama FC vừa mới hòa 1-1 trước đội chủ nhà URD tại J-League 1 ngày 29.9. Đó cũng là lý do cho thấy vì sao Công Phượng chỉ ngồi ghế dự bị hoặc không được Yokohama FC đăng ký thi đấu suốt mùa bóng 2023.
Nói như nhận định của HLV Bandovic của Hà Nội FC là tốc độ V-League chậm hơn J-League. Nhìn rộng hơn, đó còn là sự khác biệt đẳng cấp giữa hai nền bóng đá Việt Nam và Nhật Bản.