UTM có nhiều chính sách ưu đãi khi đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô

Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM) không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, song song đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, Nguyễn Tuấn Quyền (sinh năm 2001, quê Tuyên Quang) cảm thấy hài lòng vì được làm công việc đúng với chuyên môn, theo đuổi được đam mê của mình. Tuấn Quyền cho biết, bản thân lựa chọn ngành học này xuất phát từ sở thích cá nhân cũng như nhận thấy tiềm năng công việc trong tương lai.

"Tôi nhận thấy kiến thức được đào tạo ở trường đại học khá sát với thực tế, nhất là phần thực hành. Tôi bắt đầu đi làm thêm công việc liên quan đến ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô từ năm thứ hai đại học, nhờ đó, sau khi ra trường, tôi đã tích lũy cho bản thân được một số kinh nghiệm quý giá. Với lĩnh vực này, những người có tay nghề, kỹ năng cứng sẽ khá thuận tiện trong việc tìm được chỗ làm đúng nguyện vọng.

Tùy theo vị trí công việc cũng như đơn vị tuyển dụng thì sẽ có các mức lương khác nhau. Mức thu nhập tôi nhận được trung bình khoảng từ 12-15 triệu đồng/tháng. Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì việc rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống cũng rất quan trọng", Tuấn Quyền chia sẻ.

Ngoài ra, theo Tuấn Quyền, điều khiến anh ấn tượng nhất khi theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại UTM là bên cạnh những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, sinh viên cũng được chú trọng trang bị thêm những kỹ năng mềm. Sinh viên cũng được thực hành nâng cao tay nghề, áp dụng kiến thức, kỹ năng về quy trình công nghệ và quản lý sản xuất ô tô vào thực tế ngay tại xưởng ô tô được đầu tư quy mô, hiện đại của nhà trường. Song song là cơ hội được tham gia thực tập tại các xưởng lắp ráp ô tô, xưởng sản xuất phụ tùng, trung tâm bảo dưỡng... Theo Quyền, đây cũng là cơ sở quan trọng để sinh viên sau khi ra trường có thể tự tin tìm việc và làm tốt công việc được giao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Công Định - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ sửa chữa ô tô Petrolimex cho biết, đối với những người đã có kinh nghiệm và thâm niên nghề nghiệp có thể đạt được mức lương 18 triệu đồng/tháng. Sinh viên mới ra trường thường có mức lương thấp hơn. Thông qua quá trình làm việc và năng lực của từng cá nhân sẽ có các mức thu nhập khác nhau.

Ông Định cho rằng, để có thể theo đuổi được ngành này, nhân sự cần có lòng yêu nghề, đam mê, không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Tại Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ sửa chữa ô tô Petrolimex, khi tuyển dụng thường ưu tiên các hồ sơ ứng viên học đúng chuyên ngành, đã từng tiếp xúc với ô tô cũng như các công việc có liên quan đến lĩnh vực này. Ngoài ra, lòng nhiệt huyết, đam mê và các kỹ năng mềm cũng là điểm cộng cho ứng viên trong quá trình tuyển dụng, thử việc và làm việc chính thức tại đơn vị.

Đối với các cơ sở đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, ông Định cho rằng, cần đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành, cho sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với công việc chuyên môn nhiều hơn.

"Bởi vì quá trình từ lý thuyết đến thực hành đôi khi còn có những khác biệt rất lớn. Thông qua thực hành các bạn sẽ nắm được các quy trình hay vấn đề căn nguyên của từng chi tiết. Chẳng hạn như từng hạng mục, bộ phận sẽ có những nguyên lý hoạt động khác nhau. Khi thực hành, được tiếp xúc trực tiếp và tham gia vào quá trình sửa chữa ô tô thì các em sẽ hiểu được nguyên lý của nó. Từ đó có thể tích lũy cho mình được vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc thực tế, khi ra trường sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn", ông Định lý giải.

Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô có xu hướng tăng

Để tìm hiểu thêm những thông tin toàn cảnh hơn về ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, phóng viên Tạp chí điện tử đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sơn cho biết, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị luôn xác định Công nghệ kỹ thuật ô tô là một trong những ngành chủ đạo, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Theo thầy Sơn, nhu cầu về nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô trong những năm gần đây luôn tăng cả trong nước và trên thế giới.

Do đó, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi phát triển đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô. Nhà trường đầu tư các trang thiết bị học tập, thực hành, tổ chức các cuộc thi nghiên cứu khoa học tạo sân chơi khoa học và đoàn thể cho sinh viên, đảm bảo các chế độ phúc lợi cho người dạy.

Nhà trường đặt ra tôn chỉ lấy người học làm trung tâm, cải tiến xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội, tổ chức nhiều buổi thảo luận, trao đổi, hỏi đáp giữa sinh viên với nhà trường. Đồng thời, mời những giảng viên các trường đại học lớn cùng tham gia giảng dạy để cùng chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô cũng đặt ra một số thách thức bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động dẫn đến đòi hỏi rất cao về nhân lực có chất lượng. Do đó, nhà trường luôn phải đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho giảng viên. Hơn thế nữa, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành có nhu cầu về nhân lực lao động lớn, do đó hầu hết các trường đại học đều tham gia đào tạo ngành này nên cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn về tuyển sinh.

"Hiện tại số lượng ô tô đang lưu hành tại Việt Nam là khoảng hơn 6 triệu xe. Nhu cầu sử dụng ô tô của người dân ngày càng tăng nên con số này cũng có chiều hướng tăng. Theo đó, đòi hỏi phải có số lượng lao động đáp ứng cho việc sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành xe. Đây là một cơ hội lớn cho các trường đang tổ chức đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô. Ở mặt khác, cũng là một thách thức không nhỏ trong việc đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngành này", Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đánh giá.

Thầy Sơn cho biết thêm, để thu hút người học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại UTM, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, song song đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ cao. UTM cũng ký kết, phối hợp với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, tạo điều kiện để sinh viên ngành này được thực tập, thực hành công việc cũng như đảm bảo đầu ra sau khi tốt nghiệp cho các em. Nhà trường cũng có thêm một số chính sách nhằm đảm bảo chế độ phúc lợi cho sinh viên như miễn phí ký túc xá, có các chương trình học bổng khuyến khích học tập... Hơn thế nữa, UTM cũng tổ chức các đoàn tư vấn nghề nghiệp, quảng bá hình ảnh nhà trường đến các em học sinh tại các trường trung học phổ thông.

Xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn

Tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô sát với thực tiễn cũng được chú trọng triển khai.

Thầy Sơn khẳng định: "Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô được nhà trường xác định là vấn đề quan trọng nhất, để đảm bảo sinh viên học có thể đạt được các chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cũng như xã hội. Khi xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường đã tham khảo chương trình của các trường đại học trong và ngoài nước cũng như với định hướng chung của nhà trường về ứng dụng (tăng thời lượng, tăng số lượng môn học thực hành, thực tập). Tiếp đến quá trình dạy và học, UTM tiếp tục tham khảo các ý kiến từ người học, giảng viên, doanh nghiệp để tiếp tục có sự cải tiến chương trình đào tạo với chu kỳ 02 năm/lần theo hướng điều chỉnh, bổ sung các nội dung, môn học, đầu tư cơ sở vật chất theo kịp nhu cầu xã hội".

Cấu trúc chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô gồm 5 khối kiến thức và kỹ năng rõ ràng, không chỉ kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội mà còn chú trọng ngoại ngữ, phát triển cá nhân và thực hành công nghiệp.

Mỗi giai đoạn được đào tạo định hướng để sinh viên chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho việc phát huy khả năng của bản thân, lĩnh hội cao nhất kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Giai đoạn học tập thực tế tại doanh nghiệp là điểm khác biệt đặc biệt. Giai đoạn này không chỉ giúp sinh viên củng cố, áp dụng kiến thức và kỹ năng đã được tích lũy mà các em tự khám phá, lên kế hoạch học tập, rèn luyện những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp hoặc kỹ năng mềm khác cần tích lũy. Qua đó, sinh viên có thái độ học tập tốt hơn nữa trong giai giai đoạn học tiếp theo ở trường để có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Các khối kiến thức được thiết kế vừa đảm bảo tính tích lũy, vừa kích thích sự hứng khởi của sinh viên bằng việc học lý thuyết và ứng dụng các mô hình thực tế tại các công ty lắp ráp và sửa chữa ô tô ngay từ học kỳ đầu tiên và được kéo dài dàn trải trong nhiều học kỳ tiếp theo.

Về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sơn cho hay, hiện, UTM có 2 xưởng thực hành ô tô, có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học như: các bộ tổng thành dùng cho tháo lắp về máy, gầm điện ô tô, các mô hình mô phỏng hoạt động thực tế của hệ thống máy, gầm, điện… Về cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng được với số lượng sinh viên hiện tại.

Còn về đội ngũ, thầy Sơn khẳng định, giảng viên của trường có trình độ từ thạc sĩ trở lên, đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Ngoài ra, nhà trường còn nhận được sự hợp tác từ giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước, các chuyên gia tới từ các doanh nghiệp để tham gia vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng giáo trình, học liệu...

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cũng chia sẻ thêm: "Hiện nay nhu cầu lao động về lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật ô tô đòi hỏi người học sau khi ra trường có được tay nghề vững, có thể bắt tay vào công việc như thiết kế, lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô… Do đó, nhà trường xác định đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô theo định hướng ứng dụng, nâng cao kỹ năng làm việc cho sinh viên. Các em sẽ được cọ sát thực tế, trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Thầy Sơn chia sẻ thêm, để tạo điều kiện thuận lợi trong tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các ngành. Đồng thời , tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thí nghiệm, mở rộng quy mô xưởng thực hành thí nghiệm. Tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp, nhà máy lắp ráp để có những chuyến đi thăm quan, trải nghiệm thực tế cho sinh viên.

Năm 2024, công tác tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị về cơ bản giữ ổn định như năm 2023. Theo đó, nhà trường tuyển sinh trình độ đại học chính quy với tổng chỉ tiêu là 1.360 sinh viên, theo 3 phương thức xét tuyển:

Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tốt nghiệp, áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành đào tạo của trường. Nhà trường dự kiến dành 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.

Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả học bạ trung học phổ thông, áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành đào tạo của trường. Nhà trường dự kiến dành 60% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định để xét tuyển theo phương thức này.

Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học, áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành đào tạo của trường với chỉ tiêu dự kiến 10% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị có môi trường đào tạo năng động, sáng tạo, nơi nuôi dưỡng và phát huy các tiềm năng của người học. Nhà trường cam kết xây dựng hệ thống đào tạo đa dạng và chất lượng, phương pháp học tập linh hoạt, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo cho người học có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tố chất cần thiết để trở thành những con người thành đạt, hữu ích trong xã hội.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/utm-co-nhieu-chinh-sach-uu-dai-khi-dao-tao-nganh-cong-nghe-ky-thuat-o-to-post244075.gd