Ưu đãi chính sách thuế TNDN đối với TP Buôn Ma Thuột phải kiểm soát trốn thuế, chuyển giá
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đề nghị trong tổ chức thực hiện ưu đãi chính sách thuế TNDN phát triển TP Buôn Ma Thuột phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh việc chuyển giá, trốn thuế khi thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, lựa chọn các dự án thực sự có chất lượng.
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về ‘’Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk’’.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội nghiên cứu và ban hành một Nghị quyết về mô hình cơ chế, chính sách đặc thù cấp huyện, thị so với các mô hình đã áp dụng với các địa phương khác như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa - Thiên Huế và Khánh Hòa.
Về ưu đãi thuế TNDN trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, đại biểu cho rằng, quy định nội dung này tại Điều 4 còn một số mặt chưa hợp lý, vì dự án đầu tư trên địa bàn TP Buôn Ma Thuật được hưởng ưu đãi thuế TNDN sẽ dẫn đến phạm vi việc miễn, giảm khá rộng, thời gian áp dụng lại khá dài sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng đối với các địa phương khác trong cả nước. Qua đó dẫn đến số thu ngân sách ở dư địa, chuyển giá trốn thuế nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ. Đồng thời, tác động ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dễ thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên và tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của một số doanh nghiệp.
Về dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột được hưởng các ưu đãi đầu tư, Dự thảo quy định thuế suất TNDN 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế TNDN là 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo. Theo đại biểu, quy định trên cần làm rõ thêm nguồn gốc sản phẩm là dự án trồng cà phê và chế biến cà phê tại địa phương hay mang từ nơi khác đến. Đồng thời phải xem xét mức đề xuất được miễn, giảm tại địa phương phải bảo đảm cạnh tranh đối với các huyện khác trong toàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên theo quy định.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Lệ Thủy (Bến Tre), cơ chế tài chính thì không chỉ TP Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi. Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết định và giám sát theo danh mục những dự án đầu tư cụ thể, đúng quy hoạch và có phương án, khả năng cân đối ngân sách trả nợ. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của cơ chế, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát danh mục các dự án đảm bảo tính kết nối có tác dụng lan tỏa tới các tỉnh trong vùng.
Cũng đồng tính với cơ chế ưu đãi thuế TNDN đối với các lĩnh vực đầu tư và mức ưu đãi đầu tư như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực đầu tư. Theo đó, nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, độ lớn, nguồn vốn đầu tư và tính mới của sản phẩm để đảm bảo công bằng với các tỉnh trong khu vực. Đại biểu cho rằng có thể thu hút đầu tư dự án xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới trên TP Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung cơ chế tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp chế biến cà phê trong toàn tỉnh Đắk Lắk hoặc mở rộng cho cả vùng Tây Nguyên.
Góp ý tại phiên họp, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, những băn khoăn, đề nghị như một số vị đại biểu Quốc hội đã nêu là hết sức cần thiết để các cơ quan lưu ý, nhất là những vấn đề trong tổ chức thực hiện như: phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh việc chuyển giá, trốn thuế khi thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, lựa chọn các dự án thực sự có chất lượng, có tính thúc đẩy lan tỏa để phát triển…