Ưu tiên bảo vệ di sản

Hành vi xâm phạm di sản vẫn diễn biến phức tạp. Không chỉ riêng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, thời gian qua di sản văn hóa của Việt Nam cũng 'kêu cứu' ở nhiều địa phương.

Dự án khu dân cư 10B lấn gần 4ha vùng đệm vịnh Hạ Long đã được Quảng Ninh phê duyệt. Ảnh: Hoàng Dương

Dự án khu dân cư 10B lấn gần 4ha vùng đệm vịnh Hạ Long đã được Quảng Ninh phê duyệt. Ảnh: Hoàng Dương

Để ngăn chặn tình trạng xâm hại di sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định rõ ràng, sát với thực tế về việc sử dụng di sản, trong đó ưu tiên bảo vệ, bảo tồn, sau đó mới tính chuyện khai thác kinh tế dựa vào các di sản này chứ không thể đánh đổi di sản lấy lợi ích kinh tế.

Cứu vãn trước khi… quá muộn

Sau lùm xùm có hay không việc xâm hại vùng đệm di sản vịnh Hạ Long xây dựng khu đô thị, dự án lấn biển đang tạm dừng thi công, đồng thời UBND TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) giao cho các phòng ban chuyên môn tiến hành kiểm tra hiện trường thi công của dự án này.

Liên quan tới câu chuyện bảo vệ, bảo tồn di sản, vừa qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã kết luận về việc điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt.

Cụ thể, sau khi nghe phản biện từ các chuyên gia, kiến trúc sư, UBND tỉnh Lâm Đồng chưa thông qua việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với không gian của toàn bộ khu Hòa Bình.

Điểm được dư luận đồng tình nhất là chính quyền tỉnh đã quyết định cho dừng phương án xây khách sạn cao tầng ở khu vực đồi Dinh để đánh giá lại và tìm phương án tốt hơn, đáp ứng tiệm cận với nhu cầu, lợi ích chung. Đồng thời, lồng ghép ý tưởng thiết kế không gian, cảnh quan mang đậm chất Đà Lạt vào đồ án điều chỉnh.

Trước đó, năm 2021 UBND tỉnh Lâm Đồng đã chọn phương án xây dựng khách sạn cao tầng, phá bỏ Dinh Tỉnh trưởng cũ gần 100 năm tuổi trên đồi Dinh rộng 6 ha để xây mới một công trình giống như vậy ở độ cao mới được nâng thêm 28 m. Quy hoạch này đã bị nhiều người dân và chuyên gia không đồng tình vì việc xây dựng khách sạn lớn sẽ xâm hại không gian công cộng.

Tiếp đó, để lập lại trật tự tại vịnh Vĩnh Hy, UBND huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cũng vừa kiểm tra và xử phạt nhiều khách sạn, homestay, nhà hàng nổi, bè nổi hoạt động trái phép ở vịnh Vĩnh Hy.

Đáng lưu ý, các nhà hàng nổi này còn làm cầu phao nối vào đất liền ở khu vực thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý. Những hoạt động kinh doanh như vậy có thể gây hậu quả nặng nề cho môi trường biển và rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên. Chính quyền huyện Ninh Hải thông tin sẽ chấm dứt hoạt động các nhà hàng bè nối hoạt động trái phép, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và xây dựng trái phép…

Đồng thời làm rõ, xử lý các cá nhân, tập thể để xảy ra các sai phạm tại vịnh Vĩnh Hy. Tương tự, với tình trạng xâm phạm “Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới” (Ninh Bình) diễn ra phức tạp, công trình này chưa được xử lý dứt điểm thì công trình khác tiếp tục mọc lên ở vùng lõi di sản. Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cũng đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.

Có thể thấy việc tạm dừng thi công dự án xây dựng ở vùng đệm vịnh Hạ Long, dừng phương án xây khách sạn cao tầng ở khu vực đồi Dinh, hay xử phạt mạnh tay ở vịnh Vĩnh Hy, Quần thể danh thắng Tràng An là những động thái góp phần cứu vãn cảnh quan thiên nhiên trước khi quá muộn.

Với riêng vụ lấn biển ở vịnh Hạ Long, theo quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết thì việc khắc phục tình trạng hiện tại là rất tốn kém, nhưng vẫn phải khắc phục. Chứ không thể để tình trạng lấp biển như vậy, con cháu chúng ta sẽ học theo, lấp được một chỗ rồi lấp nhiều chỗ, lấp tới nửa vịnh thì còn gì là di sản.

Dinh Tỉnh trưởng tại đồi Dinh (Đà Lạt, Lâm Đồng) được xây dựng trước năm 1910; trước đây nằm trong nhóm bảo tồn nghiêm ngặt. Ảnh: Võ Tùng.

Dinh Tỉnh trưởng tại đồi Dinh (Đà Lạt, Lâm Đồng) được xây dựng trước năm 1910; trước đây nằm trong nhóm bảo tồn nghiêm ngặt. Ảnh: Võ Tùng.

Di sản vẫn kêu cứu

Nhiều di sản văn hóa vẫn đang “kêu cứu” vì tình trạng xuống cấp, việc trùng tu, tôn tạo không đúng cách, không đúng quy định, có trường hợp di tích còn bị đập bỏ.

Như căn nhà cổ 100 năm gắn với sự kiện giải phóng tỉnh Bạc Liêu năm 1945 vừa chính thức bị đập bỏ với nguyên nhân đã xuống cấp, không thể phục hồi được.

Hay thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1988, tuy nhiên nay bị xâm hại, xuống cấp, trở thành nơi xả rác, cỏ dại mọc um tùm. Di tích lịch sử quốc gia về nghệ thuật điêu khắc đá núi Nhồi (Thanh Hóa) bị xâm hại khi các tấm bia đá khắc thơ, văn, hình tượng người bị tô nhiều màu sơn, làm biến đổi nguyên trạng ban đầu của di tích…

Ở lĩnh vực di sản tư liệu, qua 15 năm là quốc gia thành viên tham gia chương trình nhưng ở trong nước, di sản tư liệu vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị. Mặt khác, về di sản công nghiệp ở nước ta gần như bằng 0. Chúng ta đã bỏ quên một loại hình di sản văn hóa rất đa dạng về công nghệ và công nghiệp ở nước ta kể từ các cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đến nay.

Với rất nhiều mỏ than ở Quảng Ninh, mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), apatit Lào Cai, crôm Cổ Định (Thanh Hóa), vàng Bồng Miêu, các xưởng đóng tàu Bạch Đằng, Ba Son, Cơ khí Gia Lâm, Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy dệt 8/3, Khu gang thép Thái Nguyên, Ga Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Vinh... từng là biểu tượng, niềm tự hào của một giai đoạn cách mạng công nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trước đây, giờ không ít đã bị phá bỏ, di chuyển để xây dựng các siêu thị, cao ốc.

Thực trạng di sản bị xâm hại không phải là câu chuyện mới nhưng tại sao vẫn diễn biến phức tạp trong nhiều năm qua.

Theo đó, với các di sản càng mang tính thương mại, thu hút khách du lịch lại càng dễ bị tác động. Dễ nhận thấy, các hành vi xâm phạm đến từ việc xây dựng các dịch vụ nhà hàng, ăn uống trong vùng lõi di sản thường xuyên xảy ra. Rồi người ta cũng chẳng ngại lấn biển xây dựng cả khu đô thị trong vùng đệm của di sản.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến việc tàn phá này vẫn diễn ra. Đó có phải là sự buông lỏng quản lý, chế tài chưa nghiêm, nhờn luật… thậm chí là lợi ích nhóm?

Nhìn nhận thực trạng trên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, di sản thuộc về tài sản của xã hội, của nhân dân nên phải được bảo vệ đúng Luật Di sản văn hóa. Nhưng rõ ràng, các vụ việc liên tục xảy ra cho thấy sự phớt lờ luật. Do đó, chúng ta cần có những chế tài, quy định chặt chẽ hơn về việc bảo vệ di sản, không để khi di sản bị xâm hại, rơi vào tình trạng sự đã rồi mới đổ lỗi trách nhiệm.

Tuy nhiên, hiện việc xử phạt vẫn chưa đến nơi đến chốn, hiếm trường hợp bị xử lý hình sự hành vi xâm hại di tích, di sản. Thế nên dù đây là một vấn đề nghiêm trọng liên tục xảy ra trong nhiều năm qua nhưng chưa có ai bị xử lý hoặc chỉ xử phạt hành chính. “Có vẻ chúng ta đang coi nhẹ việc phá hỏng di sản.

Đáng buồn hơn, vấn nạn này vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Vấn đề quan trọng là thực thi pháp luật cần phải quyết liệt, xử lý nghiêm minh các hành vi hủy hoại, xâm hại di tích, di sản mới mong ngăn chặn được tình trạng xâm hại di sản”, TS Nguyễn Văn Huy quả quyết.

Thành Diên Khánh trong cảnh hoang phế. Ảnh: Xuân Hoát.

Thành Diên Khánh trong cảnh hoang phế. Ảnh: Xuân Hoát.

Cần giải pháp mạnh mẽ

Vừa qua, tại Hội nghị góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), giới chuyên gia nhấn mạnh, những giá trị của di sản văn hóa một khi mất đi sẽ không thể có lại. Chúng ta không thể đánh đổi di sản lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Ông Trương Minh Tiến - Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội kiến nghị cần hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, bảo tồn di sản. Đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý như: ban quản lý di tích, chính quyền địa phương các cấp. “Khi phát hiện việc xâm hại di tích, cần xử lý nghiêm minh theo luật pháp, thậm chí truy tố trước pháp luật, kỷ luật những người quản lý trực tiếp. Ở Việt Nam, hầu như chưa có vụ xâm hại di tích, di sản nào bị xử phạt nặng, việc truy tố, cưỡng chế cũng chưa nhiều”, ông Trương Minh Tiến nói.

Đáng lưu ý, từ dẫn chứng dự án đô thị lấn vịnh Hạ Long cho thấy với những quy định không rõ ràng đã xuất hiện những bất cập trong phân biệt giữa vùng lõi, vùng đệm di sản khiến nhà đầu tư lợi dụng để tăng giá trị dự án. Đây cũng được coi là một hành vi lách luật khi sử dụng các cảnh quan của di sản thiên nhiên thành cảnh quan riêng của dự án. Như vậy, bên cạnh câu chuyện phát triển đi đôi với bảo tồn, nhiều chuyên gia khẳng định sự cấp thiết khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Đặc biệt trong việc phân định rõ ràng, liên tục cập nhật sự thay đổi giữa khu vực bảo vệ I (vùng lõi) và khu vực bảo vệ II (vùng đệm).

Ở góc nhìn khác, với thực tế từ di sản Hội An (Quảng Nam), Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết, hơn 80% di tích trong khu phố cổ Hội An thuộc về quyền sở hữu của tư nhân và tập thể.

Chủ nhân thực sự của di sản là chủ sở hữu các di tích. Họ không chỉ là chủ nhân nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gìn giữ “phần hồn” của di sản với những tập quán xã hội truyền thống của cư dân đô thị, những món ăn truyền thống, những lễ hội văn hóa cộng đồng.

Bởi vậy, sự mất - còn của di sản phụ thuộc vào ý thức, sự đồng hành của các chủ sở hữu. “Vì thế, Luật Di sản văn hóa cần có những quy định cụ thể, có tính đặc thù về vấn đề sở hữu di tích, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích để đảm bảo về mặt quản lý nhà nước và thực thi các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản được hiệu quả”, ông Ngọc kiến nghị.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu thực tế phát triển du lịch một cách nhanh chóng gây ra tình trạng nhiều tư nhân lợi dụng cảnh quan thiên nhiên, di sản để tăng giá trị cho những dự án kinh doanh dịch vụ. Do đó, vai trò của các cơ quan chức năng là rất quan trọng trong việc thực hiện đúng trách nhiệm thanh, kiểm tra, động viên nhân dân giám sát và khi dân có ý kiến phải nghiên cứu, ứng phó, giải quyết.

Các khu vực bảo vệ có thể sẽ có thay đổi theo thời gian. Vì vậy, chúng ta phải kiểm tra về việc phân vùng, nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy xấu là sử dụng vùng đệm nhưng lại lợi dụng được cảnh quan của thiên nhiên.

"Đặc biệt, cần có khung pháp luật chặt chẽ khi đưa di sản vào khai thác du lịch. Trong khung pháp luật về di sản, cần đề cao việc bảo vệ, bảo tồn di sản lên trước, sau đó mới tính đến chuyện khai thác kinh tế dựa vào các di sản này. Nếu làm được điều đó thì chúng ta mới phát triển bền vững đồng thời được du lịch và di sản”, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ.

TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế: Chưa rõ ràng trong khoanh vùng bảo vệ di sản
Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 ngày 4 tháng 4 năm 1984 của Hội đồng Nhà nước về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh thắng ban hành quy định “Mỗi di tích lịch sử, văn hóa là bất động sản và danh lam, thắng cảnh có từ I đến III khu vực bảo vệ”.

Do vậy, những hồ sơ di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh và những di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng trước năm 2001 sẽ lập và tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích theo quy định của Pháp lệnh này (trong đó, có những di sản thế giới, di tích có III khu vực khoanh vùng bảo vệ).
Đến khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 có hiệu lực thi hành, đã quy định khu vực bảo vệ di tích gồm 2 khu vực (không còn khu vực bảo vệ III) tại Điều 32 và Điều 73 quy định “Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ”, tức là hồ sơ di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh và những di tích đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng có III khu vực khoanh vùng bảo vệ phải tiến hành lập lại hồ sơ kho-anh vùng bảo vệ di tích để đảm bảo phù hợp với quy định mới.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các hồ sơ di tích là di sản văn hóa thế giới. Do đó, đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn đối với trường hợp cần phải tiến hành điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.

GS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia: Cần chính sách đồng bộ
Trong giai đoạn phát triển mới, muốn đạt được các mục tiêu lớn đặt ra trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, cần thiết phải có các chính sách đồng bộ trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa theo hướng thực hiện phân cấp, phân quyền giữa cơ quan trung ương và cơ quan quản lý các cấp chính quyền tại địa phương, tạo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các cấp, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý di sản văn hóa, đặc biệt là các chủ sở hữu (cộng đồng, cá nhân, dòng họ) về di sản văn hóa.
Đồng thời, tăng cường nguồn lực đầu tư ngân sách của nhà nước, tạo cú hích lớn trong các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa là một chính sách cần được thực hiện theo các thứ tự ưu tiên: Huy động các phương tiện thông tin đại chúng vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới di sản văn hóa, mở rộng chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển bền vững; Đầu tư cho việc đào tạo nâng cao năng lực của các nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn;

Đầu tư các chương trình, quy hoạch, dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa với tư cách là một thiết chế đa năng (thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng, thiết chế văn hóa ở cơ sở, không gian văn hóa công cộng và sáng tạo, tài nguyên nhân văn - hạt nhân cho việc sáng tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn), các đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ các nghệ nhân;

Đầu tư cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu di sản văn hóa bằng công nghệ số. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội tự nguyện phát huy sáng kiến, ý tưởng và đóng góp công sức, kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/uu-tien-bao-ve-di-san-10267696.html