Ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành các dự án hạ tầng quan trọng
Với 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.
Chiều 7/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.
Ưu tiên đầu tư thực hiện các dự án quan trọng quốc gia
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, so với nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công 5 năm trước, giai đoạn tới, nguồn lực này sẽ được ưu tiên bố trí để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, cũng như các dự án kết nối có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành các dự án hạ tầng quan trọng. Bên cạnh đó, nguồn lực Nhà nước cũng ưu tiên bố trí cho dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, công nghệ bán dẫn, cũng như dự án bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_5_51421846/8cb5d939e07709295066.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan này nhất trí với các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn công trong 5 năm tới. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan phối hợp rà soát kỹ quy định tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định mới của Luật Đầu tư công.
Chính phủ cũng cần rà soát quy định để khắc phục tồn tại hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 973 và ưu tiên phân bổ vốn ODA, vốn vay nước ngoài cho những dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, dự án gắn với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam đối với những lĩnh vực quan trọng mà nước ta chưa làm và chưa làm chủ công nghệ.
Phân bổ hợp lý giữa những ngành, lĩnh vực quan trọng
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí với việc ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần khắc phục cho được tình trạng phân bổ dàn trải trong thời gian vừa qua; bảo đảm phân bổ hợp lý giữa những ngành, lĩnh vực quan trọng; khắc phục các tồn tại, hạn chế như chưa có cơ chế quản lý việc lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương; chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm ngân sách địa phương dành nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng; tỷ lệ giải ngân vốn ngước ngoài rất thấp.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_5_51421846/dd9d8a11b35f5a01034e.jpg)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Đề cập dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ hiện đang trong quá trình làm thủ tục điều chỉnh đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư tập trung cao để giải quyết, sớm đưa vào sử dụng. “Xây rồi bỏ hoang mấy năm nay. Tôi đi tới mấy lần, nhìn thấy rất sốt ruột” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên cho dự án cấp thiết, cấp bách, nhất là công trình còn dở dang cần phân bổ vốn để xử lý dứt điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quan tâm bố trí vốn cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm rất sốt ruột và nói phải có nghị quyết tháo gỡ cho lĩnh vực này, chọn lọc vấn đề còn ách tắc để giải quyết ngay tại kỳ họp bất thường.
Về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhìn chung cơ bản đã kế thừa Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, song, cần tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2024 để bảo đảm đồng bộ, nhất là những vấn đề liên quan đến: thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C; tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA. Đồng thời, rà soát các tiêu chí để bảo đảm ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công, tiêu chí phải được so sánh định mức, mức độ cấp thiết, tính hiệu quả của dự án, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng.
Bày tỏ thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về Điều 3 dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, không cần thiết đưa nội dung tại Điều 3 vào dự thảo Nghị quyết. Từ thực tế địa phương và qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có một số ngành, lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, có tính lưỡng dụng thì cũng cần được phân định rạch ròi để phục vụ việc thống kê, đánh giá các chỉ tiêu trong phân bổ các nguồn vốn.
![Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_5_51421846/1e9c77104e5ea700fe4f.jpg)
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất 5 nhóm chính sách và nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Tại phiên họp, với 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.