Ưu tiên chấm kiểm tra các bài thi điểm cao

Năm nay, lịch công bố điểm thi tốt nghiệp THPT sớm hơn năm 2021 hai ngày, nhưng Bộ GD&ĐT quán triệt tới các địa phương giữ vững tinh thần nghiêm túc, đúng quy chế. Cần ưu tiên chấm kiểm tra những bài thi điểm cao, tăng cường thanh tra, giám sát quy trình chấm thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để đảm bảo chấm đúng, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực, các thầy cô giáo làm công tác chấm thi phải gạt hết áp lực khác, xác định rõ ràng tinh thần vì học sinh và chỉ có một áp lực là làm sao chấm đúng cho học sinh.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên. Ảnh: Diệp An

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên. Ảnh: Diệp An

Ông Trần Văn An, Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm, Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho hay, các thành viên Ban chấm thi trắc nghiệm, người đang thi hành nhiệm vụ liên quan tại khu vực chấm bài thi trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy… vào phòng chấm thi; không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ hình thức nào, bất kỳ lý do gì.

Các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp, từ khi quét ảnh đến khi có kết quả. Bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, Trưởng ban chấm thi tự luận, cho hay, giám thị chấm thi không được mang phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của các ban chấm thi khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, Ban chấm thi tự luận gồm 149 thành viên; Ban chấm thi trắc nghiệm gồm 26 thành viên. Khu vực làm phách, khu vực chấm thi được bố trí cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, phương tiện kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn theo quy định; có công an bảo vệ, cán bộ giám sát, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, công tác phòng chống dịch bệnh và dự phòng các tình huống bất thường khác.

Từ ngày 10/7, Ban làm phách bài thi tự luận bắt đầu làm phách, giao nhận bài thi đúng theo hướng dẫn và quy chế thi. Chấm thi tự luận bắt đầu từ sáng 12/7, chấm thi trắc nghiệm từ ngày 10/7. Theo đánh giá ban đầu, tiến độ chấm thi diễn ra khá nhanh.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, cho biết, trong công tác chấm thi, Ban chỉ đạo thi đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm đến từng cá nhân tham gia lực lượng trực bảo vệ, giám sát phòng bảo quản bài thi, chấm thi ở cả hai khu vực chấm thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối.

Sở GD&ĐT Thái Bình nói rằng, đối với bài thi tự luận môn Ngữ văn, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh thực hiện làm phách một vòng độc lập. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Hưng Yên thực hiện làm phách theo hai vòng độc lập.

Các phương tiện giám sát, ghi hình phải đảm bảo hoạt động xuyên suốt (24/24h) trong toàn bộ quá trình chấm thi. Những vị trí ghi nhật ký phải ghi đầy đủ, chi tiết.

Chấm phúc khảo chênh từ 1 điểm phải đối chất

Thời điểm này, 5 thứ trưởng Bộ GD&ĐT dẫn đầu 5 đoàn kiểm tra tới các địa phương kiểm tra công tác chấm thi. Quan điểm chung của Bộ GD&ĐT là nhấn mạnh yếu tố nhân sự trong công tác tổ chức kỳ thi, ở tất cả các khâu.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, phương châm của Bộ là “nhận thức đúng, quyết tâm cao, phương pháp phù hợp và giải quyết dứt điểm”.

“Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ về công tác chấm thi, nhất là đối với thầy cô giáo. Trong mọi trường hợp, phải có cách giải quyết dứt điểm. Đặc biệt là trong khâu chọn người. Một sơ suất nhỏ sẽ gây ra hậu quả lớn”, ông Độ nói.

Xác định kỳ thi phải công bằng, khách quan, trung thực, khi chấm thi cần đạt được những điều này, phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh. Nếu tỷ lệ thí sinh yêu cầu phúc khảo cao thì chứng tỏ Ban chấm thi đã không thành công. Nếu sau chấm phúc khảo phải điều chỉnh trên 1 điểm là phải mời thầy cô chấm thi lên đối chất.

Để đảm bảo chấm thi đúng quy trình, ông Độ nhấn mạnh, phải chấm chung ít nhất 10 bài, nghiêm ngặt hai vòng độc lập. Chất lượng chấm còn thể hiện ở chỗ không có hoặc có không đáng kể sự chênh lệch giữa 2 giám khảo ở 2 vòng.

Bên cạnh đó, phải tăng cường chấm kiểm tra. Quan trọng nhất là phát hiện lỗi sai của giáo viên trong quá trình chấm bài, vì sao có sự chênh lệch điểm, từ đó phát hiện những sai sót.

Theo ông Độ, cần ưu tiên chấm những bài thi điểm cao, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quy trình chấm thi. Đây là khâu rất quan trọng trong việc chấm bài. Thứ trưởng Bộ GD&Đt cũng nhắc nhở giáo viên chấm thi cần cẩn trọng ở khâu cộng điểm để không cộng sót điểm trong bài thi của thí sinh.

Giám khảo chấm thi cần bảo mật nội dung bài thi của thí sinh, không đưa nội dung bài làm, kết quả của thí sinh lên mạng xã hội để bình luận.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/uu-tien-cham-kiem-tra-cac-bai-thi-diem-cao-post1453717.tpo