Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở gần nơi cư trú

Phát biểu góp ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 27/8 về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung quy định: 'Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú' để thể hiện tính nhân văn…

 Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 27/8 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 27/8 (ảnh: VPQH cung cấp).

Phát biểu góp ý tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, về cơ bản, đại biểu đồng tình với dự thảo Luật trình Hội nghị chuyên trách lần này và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Tư pháp. Theo đại biểu, so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, dự thảo lần đã đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hơn.

Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, về việc bảo đảm thi hành án phạt tù (Điều 19 dự thảo), khoản 3 Điều 19 dự thảo quy định: “Người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam”. Theo đại biểu, việc giam giữ riêng người chưa thành niên chấp hành án phạt tù là cần thiết và nhất quán với các quy định pháp luật liên quan trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xem xét xét tính toán đến nguồn lực để thực hiện được quy định này, tránh trường hợp như hiện nay, trong một số lĩnh vực, mặc dù đã có những quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở vật chất không đảm bảo, gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu góp ý tại hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu góp ý tại hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Ngoài ra, đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: “Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú”. Theo đại biểu, điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực.

Về quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng (Điều 22 dự thảo), khoản 6 Điều 22 dự thảo quy định quyền “được đảm bảo giữ bí mật cá nhân trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, vụ án”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, các thông tin bí mật cá nhân của người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng không chỉ cần được đảm bảo giữ bí mật trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án mà còn cần được đảm bảo giữ bí mật cả sau khi giải quyết vụ việc, vụ án. Vì vậy, đề nghị sửa lại khoản 6, điều 22 như sau: “được đảm bảo giữ bí mật cá nhân trong và sau quá trình giải quyết vụ việc, vụ án”.

Về nhiệm vụ của người làm công tác xã hội (Điều 32 dự thảo luật), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, tại khoản 2 điều 32 dự thảo luật quy định về nhiệm vụ của người làm công tác xã hội, trong đó tại điểm a quy định nhiệm vụ “Xây dựng báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng”. Theo đại biểu, với các yêu cầu về nội dung của Báo cáo điều tra xã hội (tại điều 54) và kế hoạch xử lý chuyển hướng (tại điều 58), thì việc giao hoàn toàn cho người làm công tác xã hội xây dựng sẽ vô cùng khó khăn.

 Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho biết, một số nội dung như “các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên”, “địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “đề xuất biện pháp xử lý chuyển hướng” (tại Báo cáo điều tra xã hội); “biện pháp xử lý chuyển hướng đề xuất áp dụng”, “đề xuất xử lý trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ” (tại Kế hoạch xử lý chuyển hướng) có liên quan đến chuyên môn về tội phạm học và các kiến thức tư pháp, đòi hỏi người có chuyên môn về lĩnh vực này.

Theo đại biểu, để đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả của báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng, nên quy định rõ với công an xã, phường, thị trấn nơi người chưa thành niên phạm tội đang cư trú phối hợp với người làm công tác xã hội xây dựng. Điều này cũng tạo thuận lợi cho người làm công tác xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ bởi vì, các thông tin, yêu cầu trong báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng hầu như công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú đều có đầy đủ và nắm bắt được, hơn nữa, trong lĩnh vực này, họ là cơ quan có chuyên môn hơn.

“Người làm công tác xã hội trong nhiệm vụ này chủ yếu ở vai trò phân tích, tư vấn diễn biến tâm sinh lý để đảm bảo báo cáo điều tra xã hội và kế hoạch xử lý chuyển hướng được xây dựng toàn diện, khả thi, đa chiều, có góc nhìn dưới tâm lý, độ tuổi người chưa thành niên” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/uu-tien-cho-nguoi-chua-thanh-nien-chap-hanh-an-phat-tu-tai-co-so-gan-noi-cu-tru-163551.html