Ưu tiên của địa phương

Chưa đầy 3 tuần nữa, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 chính thức có hiệu lực. Đến nay, dự thảo các Nghị định, Quyết định hướng dẫn thi hành 3 luật đã được các bộ, ngành hoàn thiện và trình Chính phủ; khả năng cao sẽ được ban hành trong tháng 7 này. Vấn đề lớn hơn đang nằm ở những văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương.

Khối lượng văn bản giao các địa phương ban hành khá lớn, gồm 20 nội dung với Luật Đất đai năm 2024, 10 nội dung với Luật Nhà ở năm 2023 và 1 nội dung với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Đó là chưa kể có thể còn có những văn bản khác mà địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành.

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành xây dựng ngày 10.7, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng, cho biết, hiện mới có một số địa phương gửi dự thảo liên quan đến Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 về Vụ Pháp chế; chưa có địa phương nào ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được luật giao.

Tình hình có lẽ cũng tương tự với Luật Đất đai năm 2024. Và như vậy, tiến độ soạn thảo và ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương để hướng dẫn thi hành 3 luật quan trọng này đang bị chậm. Một phần nguyên nhân có thể là các địa phương đang đợi các Nghị định, Quyết định được ban hành, trên cơ sở đó mới xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của mình. Nếu địa phương tiếp tục đợi sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các luật; đồng thời, địa phương cũng chịu áp lực lớn về thời gian ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của mình ở giai đoạn sau này. Áp lực thời gian luôn kéo theo mối lo về chất lượng văn bản.

Để tránh tình huống đó, một giải pháp được ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu trong hội nghị sơ kết của ngành; đó là các sở chuyên ngành có thể tham mưu cho địa phương chuẩn bị các văn bản thuộc thẩm quyền theo cách làm song song để kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng bộ với 3 luật. Cách làm song song nghĩa là địa phương không chờ nghị định, thông tư ban hành mới xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền mà có thể dựa trên các bản dự thảo gần nhất; đồng thời trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để cập nhật thông tin và bảo đảm đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật.

Trường hợp địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai luật, nhất là Luật Đất đai năm 2024, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương. Ví dụ quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, xây dựng bảng giá đất hàng năm... Vì thế, giờ là lúc các địa phương phải tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ quan trọng này, có thể theo cách làm song song nói trên. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Trong tiến trình này, rất cần sự vào cuộc giám sát của các cơ quan dân cử để các chính sách, quy định mới phát huy tối đa hiệu quả trong thực tế.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/uu-tien-cua-dia-phuong-i380255/