Ưu tiên đầu tư cho hạ tầng cảng hàng không

Đây là một trong những nội dung của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16/7/2024.

Kế hoạch xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, danh mục các dự án và nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 để triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không).

Ảnh minh họa: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Ảnh minh họa: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Các nhiệm vụ chủ yếu được nêu trong kế hoạch gồm: Thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng; lập quy hoạch các cảng hàng không; ưu tiên đầu tư phát triển.

Công bố quy hoạch, phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch đến các tổ chức, cá nhân để giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hệ thống cảng hàng không theo quy hoạch được phê duyệt.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng không dân dụng để phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định; xây dựng, hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không nhằm hoàn thiện các giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để tạo hành lang pháp lý đầy đủ làm cơ sở triển khai huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước.

Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp cao hơn và các quy hoạch liên quan, bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch.

Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng cảng hàng không, xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, mở rộng các cảng hàng không trọng tâm, trọng điểm. Kế hoạch cũng nêu mục tiêu tập trung các dự án có tính lan tỏa lớn; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh hàng không.

Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động bay an toàn với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả gắn với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời và tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay...

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm:

14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc).

19 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).

Với số lượng cảng hàng không được quy hoạch như trên sẽ đảm bảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay (75%) và tương đương với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới .

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/uu-tien-dau-tu-cho-ha-tang-cang-hang-khong-31288.html