Độc đáo kiến trúc nhà trình tường, mái âm dương của người Dao Tiền ở Cao Bằng

Nằm dưới những ngọn núi cao mây trắng bao phủ, khu nhà trình tường của nhóm hộ Nà Rẻo, xóm Tam Hợp, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thu hút khách du lịch với kiến trúc nhà trình tường và mái ngói âm dương độc đáo.

Nhóm hộ Nà Rẻo hòa mình trong thiên nhiên xanh mát.

Nhóm hộ Nà Rẻo hòa mình trong thiên nhiên xanh mát.

Được xây dựng khoảng những năm 1960, đến nay, những ngôi nhà này được gìn giữ tương đối nguyên vẹn, hài hòa với cảnh quan chung quanh.

Nhóm hộ Nà Rẻo có hơn 30 hộ dân là người dân tộc Dao Tiền quần tụ chung sống. Nhịp sống ở đây rất chậm và yên bình. Giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng, những nếp nhà đơn sơ nằm ngăn nắp bật lên màu vàng đặc trưng của ngôi nhà trình tường.

Khu nhà trình tường, lợp mái âm dương.

Khu nhà trình tường, lợp mái âm dương.

Lúc chúng tôi đến, bà con đang bận đi làm nương. Được biết, nghề chủ yếu của người dân ở đây là trồng trúc sào, dong riềng, ngô và chăn nuôi gia cầm, gia súc. Ngô, lúa thu hoạch về được cất giữ trong những chiếc lán bố trí khu đầu hồi.

Kho cất giữ lương thực.

Kho cất giữ lương thực.

Trong xóm còn lại người già và các em nhỏ đang tung tăng chơi vui dọc con đường. Tiếp chuyện chúng tôi, bà con vô cùng thân thiện, vui vẻ khi có khách nơi xa đến thăm.

Em nhỏ chơi đùa trong xóm.

Em nhỏ chơi đùa trong xóm.

Theo ông Chu Ứng Tích, chủ một căn nhà trong xóm, ngôi nhà ông đang ở được bố mẹ xây khoảng năm 1964, khi ông được một tuổi. Trong quá trình sinh sống, ngoài vài lần lợp lại mái ngói âm dương, bên trong chưa được tu sửa lần nào.

Mái lợp ngói âm dương độc đáo.

Mái lợp ngói âm dương độc đáo.

Bên trong ngôi nhà, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, ở khu vực trung tâm là bộ bàn ghế để tiếp khách. Bên trái và phải bố trí buồng ngủ của các thành viên trong gia đình, khu vực bếp, sinh hoạt chung...

Ông Chu Ứng Tích tiếp khách trong gian chính của ngôi nhà.

Ông Chu Ứng Tích tiếp khách trong gian chính của ngôi nhà.

Bền bỉ theo thời gian, tất cả ngôi nhà nhà trình tường ở đây xây theo một mẫu kiến trúc. Bên ngoài các căn nhà đều giống nhau, bên trong có sự sắp xếp khác biệt tùy mỗi hộ gia đình.

Đồ dùng trong căn bếp.

Đồ dùng trong căn bếp.

Cả xóm có duy nhất một dãy 9 hộ liền kề nhau, còn lại vài căn nhà cùng một kiểu kiến trúc nằm lẻ tẻ, rải rác.

Dãy nhà liền kề gồm 9 căn sát nhau.

Dãy nhà liền kề gồm 9 căn sát nhau.

Sàn nhà được làm bằng đất nện dày, mái lợp ngói âm dương đã trổ rêu xanh cổ kính, tường nhà được trình bằng đất sét chắc chắn, dày dặn... Bao quanh nhà là hàng rào đá kiên cố với bậc thang lên xuống cũng được xếp bằng đá. Hai bên đầu hồi xây vòm hình vòng cung, ngoài cửa xây nhiều cột bằng gạch chắc chắn.

Cột nhà và mái vòm hình vòng cung.

Cột nhà và mái vòm hình vòng cung.

Chị Chu Thị Liên cho biết, đến nay cả xóm mới có một hộ chuyển đi nơi khác, còn lại bà con vẫn gắn bó nơi này. Ở đây ít có sự dịch chuyển, biến động của các hộ gia đình. Khi nhà bên cạnh chuyển đi, nhà để hoang không sử dụng nên nhà chị đục thông tường, mở rộng căn hộ.

Bức tường được đục thông sang 2 căn nhà.

Bức tường được đục thông sang 2 căn nhà.

Căn nhà của chị Lý Thị Ún đỡ ẩm mốc và nhiều ánh sáng hơn. Ngồi trong gian bếp trò chuyện, chị cho biết, gia đình cũng muốn sửa sang, cải tạo cho khang trang nhưng chính quyền địa phương khuyến khích người dân hạn chế nâng cấp, tu sửa làm thay đổi kết cấu nguyên bản của ngôi nhà.

Khu bếp bên trong ngôi nhà của chị Lý Thị Ún.

Khu bếp bên trong ngôi nhà của chị Lý Thị Ún.

Điểm chung của những ngôi nhà hơn 60 năm tuổi là bên trong phần lớn đã xuống cấp, thiếu ánh sáng, ẩm mốc.

Bài trí bên trong ngôi nhà.

Bài trí bên trong ngôi nhà.

Vật dụng trong nhà đơn giản, cơ bản và cũ kỹ... cho thấy ít có sự tác động của nhịp sống hiện đại.

Gương, lược treo trên tường.

Gương, lược treo trên tường.

Với điểm nhấn về kiến trúc, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí trình lại tường đất vỡ và cải tạo một số hạng mục xuống cấp.

Mảng tường được trình bằng đất sét được lưu giữ nguyên vẹn.

Mảng tường được trình bằng đất sét được lưu giữ nguyên vẹn.

Ông Chu Ứng Tích chia sẻ, gần đây nhiều đoàn du khách đến thăm khu nhà trình tường của nhóm hộ Nà Rẻo, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc và nghề truyền thống vùng cao. Ông cùng bà con có nghe về kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, với hiện trạng này, để làm du lịch, cần xây dựng nhà vệ sinh và cải thiện cảnh quan, môi trường xung quanh khang trang, sạch sẽ hơn mới có thể đón khách.

Nếp nhà trình tường và mái lợp âm dương là điểm nhấn thu hút du khách.

Nếp nhà trình tường và mái lợp âm dương là điểm nhấn thu hút du khách.

Với điểm nhấn độc đáo về kiến trúc, khu nhà trình tường của nhóm hộ Nà Rẻo, xóm Tam Hợp có thể kết nối các điểm tham quan khác trong huyện Nguyên Bình như vườn trúc sào tại xóm Bản Phường, xã Thành Công; làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành; tham quan vọng cảnh trên đỉnh Phja Oắc cao 1.931m...

Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch, chính quyền địa phương cần quan tâm giữa bảo tồn kiến trúc nhà ở song song cải thiện môi trường sống của bà con, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng cao.

NGUYỄN NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doc-dao-kien-truc-nha-trinh-tuong-mai-am-duong-cua-nguoi-dao-tien-o-cao-bang-post826546.html