Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

Thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước), sáng 26.10, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ cần ưu tiên điều hành kinh tế vĩ mô; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng…

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng tham dự phiên họp Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng tham dự phiên họp Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng 26.10, Quốc hội đã thảo luận Tổ về tình hình kinh tế - xã hội; thi hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện ngân sách nhà nước; về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.

Có giải pháp ổn định thị trường bất động sản

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đa số các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả rất tích cực. Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi có đến 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ngoài ra, có giải pháp ổn định tình hình thị trường bất động sản, nhất là quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ sáng 26.10. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ sáng 26.10. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (ĐBQH tỉnh Quảng Ninh), để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: T. Tâm

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: T. Tâm

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối, dẫn đến việc người người dân tiếp cận nhà ở xã hội còn khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cùng với các giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Khơi thông nguồn lực tăng thu ngân sách

Góp ý vào 11 nhóm giải pháp của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) nhấn mạnh, chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm thể hiện sự phân cấp rất mạnh mẽ nhưng cần tạo cơ chế, chính sách rõ ràng, đồng bộ và có cơ chế cho các địa phương tăng nguồn thu lên. Theo đại biểu, từ nay đến cuối năm 2025, có rất nhiều chương trình phải thực hiện nhưng năng lực hấp thụ còn ít. Do vậy, Chính phủ nên đánh giá thêm năng lực hấp thụ các chính sách cân chỉnh cho phù hợp để khi chính sách được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý, nguồn lực để các cấp có thể triển khai dễ dàng.

 ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: T. Tâm

ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: T. Tâm

Ngoài ra, trong các nhóm giải pháp đề ra cũng cần bổ sung thêm giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nâng tầm doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất, đối với nguồn ngân sách địa phương trong nguồn thu ngân sách cần đánh giá lại các nguồn thu, nhất là với các nguồn thu mới như các hộ kinh doanh cá thể, còn đối với thu từ nguồn sử dụng đất cần có cơ chế rõ ràng.

Khẳng định chủ trương điều chỉnh quy hoạch đất quốc gia là nhu cầu rất cần thiết, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn đề nghị, cần đánh giá thực tiễn từ các quy hoạch các cấp và sớm điều chỉnh thời gian sử dụng đất để giải phóng nguồn lực, bởi nếu để cuối năm 2025 sẽ rất trễ.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho rằng, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về những khó khăn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh trong nước và vấn đề nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường hiện nay để có giải pháp hữu hiệu hơn thời gian tới. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thậm chí có xu hướng thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân do các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu và công tác chuẩn bị đầu tư. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải chuẩn bị kĩ càng công tác chuẩn bị đầu tư thì sẽ giải quyết được điểm nghẽn này.

ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan dự toán ngân sách Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, hiện nay, việc phân bổ tăng thu ngân sách từ 2021 - 2023 chưa thực hiện phân bổ xong. Nếu khơi thông được nguồn lực này tốt hơn sẽ kích thích cho tăng trưởng và hỗ trợ cho doanh nghiệp khi thực hiện. Đối với vấn đề tiết kiệm chống lãng phí, việc chưa phân bổ ngân sách hàng năm là quá lớn. Đại biểu đề xuất, những nội dung nào đủ điều kiện thì có thể phân bổ, còn nội dung khác chưa đủ điều kiện thì sẽ đưa vào dự phòng, điều chỉnh, bổ sung thêm. Trong trường hợp chưa phân bổ lại thì bội chi ngân sách nên điều chỉnh lại để dành nguồn lực lớn hơn triển khai các dự án quan trọng quốc gia. Mặt khác, cần thực hiện cắt giảm tiết kiệm chi hàng năm ngay từ đầu vì hiện tại thủ tục điều chỉnh tiết kiệm chi kéo dài rất nhiều gây bị động trong quá trình triển khai ở các bộ, ngành địa phương…

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uu-tien-day-nhanh-tien-do-dau-tu-cong-post394436.html