Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện
Theo kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2022, Điện lực Hải Dương sẽ khởi công xây dựng 3 TBA 110 kV, thực hiện 38 dự án lưới điện trung hạ thế và chuẩn bị đầu tư 2 dự án 110 kV...
Theo kế hoạch, tới đây trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều khu, cụm công nghiệp và nếu được Chính phủ phê duyệt sẽ có cả vùng kinh tế chuyên biệt để tạo đà phát triển. Điều này yêu cầu ngành điện nói chung, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương nói riêng cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Nhu cầu phụ tải tăng cao
Theo báo cáo của ngành điện, điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 31%, mức tăng bình quân 7,5%/năm. Trong năm 2021, mặc dù Hải Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng điện thương phẩm trên địa bàn vẫn tăng 3,99%. Cụ thể, điện thương phẩm năm 2021 đạt 6.263,12 triệu kWh, trong đó công nghiệp xây dựng chiếm 69,7%, tăng trưởng 3,07%. Điều này cho thấy nhu cầu điện cho phát triển kinh tế ngày càng lớn.
Hiện tại Điện lực Hải Dương quản lý 19 trạm biến áp (TBA) với 43 máy biến áp có tổng công suất 1.944 MVA, hơn 393 km đường dây 110 kV. Về lưới điện trung thế, Điện lực Hải Dương hiện quản lý hơn 2.880 km đường dây với 127 lộ xuất tuyến; có 5.265 TBA với 5.641 máy biến áp có tổng dung lượng hơn 3.140 MVA. Lưới điện hạ thế dài 5.230,658 km…
Tuy nhiên, vào đợt cao điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng quá tải. Theo đánh giá, hiện có 10 TBA 110 kV thường xuyên mang tải ở mức cao, 7 đường dây 110 kV mang tải từ 80-100% trong trường hợp tải tăng cao do nắng nóng cục bộ hoặc cấp điện hỗ trợ. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chưa thực hiện tiết kiệm điện do dây chuyền, công nghệ sản xuất của các đơn vị đa phần lạc hậu, năng suất thấp, chi phí thực hiện các giải pháp tiết kiệm còn cao…
Tập trung đầu tư
Theo kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2022, Điện lực Hải Dương sẽ khởi công xây dựng 3 TBA 110 kV, thực hiện 38 dự án lưới điện trung hạ thế và chuẩn bị đầu tư 2 dự án 110 kV cùng 5 dự án lưới điện trung thế khác. Điện lực Hải Dương sẽ dành hơn 510 tỷ đồng được trực tiếp quản lý để đầu tư xây dựng.
Ngay trong những ngày đầu năm mới, Điện lực Hải Dương đã đóng điện và đưa vào vận hành TBA 110kV Thanh Hà và nhánh rẽ. Dự án này đã được Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao cho Ban Quản lý dự án điện miền Bắc thực hiện từ năm 2019. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, công trình vẫn chưa thể khởi công do vướng mặt bằng. Nhận thấy khó khăn, tháng 7.2021, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã ủy thác cho Điện lực Hải Dương thực hiện dự án này. Điện lực Hải Dương đã khẩn trương thực hiện điều chỉnh hướng tuyến đường dây phù hợp với quy hoạch của địa phương, đồng thời tích cực phối hợp chính quyền địa phương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau 6 tháng tập trung nhân lực, vật lực, TBA 110kV Thanh Hà và nhánh rẽ đã hoàn thành đóng điện, đưa vào sử dụng trước dịp Tết Nhâm Dần. TBA 110kV Thanh Hà có công suất thiết kế 103 MVA, giai đoạn 1 lắp đặt một máy biến áp có công suất 40MVA, với tổng mức đầu tư gần 175 tỷ đồng. Dự án được đưa vào sử dụng trước 3 tháng so với kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng điện cho các phụ tải công nghiệp, sinh hoạt của huyện Thanh Hà và khu vực lân cận.
Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng thuộc địa phận các xã Vĩnh Hồng, Vĩnh Hưng và Hùng Thắng (Bình Giang) đang dần được hình thành. Dự án có diện tích 214,57 ha với tổng nguồn vốn đầu tư 1.802 tỷ đồng, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng sẽ thu hút từ 12.000-16.000 lao động. Để đáp ứng nguồn năng lượng phục vụ cho khu công nghiệp này, Điện lực Hải Dương đã có chủ trương xây dựng TBA 110kV Bình Giang đặt tại thôn Lý Dương, xã Vĩnh Hồng. Dự kiến TBA này sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2023, kịp thời cấp điện cho toàn bộ khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng sắp tới.
Những dự án đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống lưới điện của Điện lực Hải Dương sẽ giúp nâng cao chất lượng điện, bảo đảm an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giảm tổn thất điện năng trên đường dây, tăng hiệu quả kinh doanh điện.