Ưu tiên nguồn lực để phát triển kinh tế xanh
Lời Tòa soạn: Những năm gần đây, Gia Lai chú trọng triển khai các giải pháp phát triển kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Để làm rõ hơn về định hướng, mục tiêu của tỉnh, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế.
* P.V: Để triển khai thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tỉnh đã xác định lợi thế và khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế.
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế: Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực, nhất là Campuchia và Lào. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ như: quốc lộ 14, 14C, 19, 25, đường Trường Sơn Đông. Đặc biệt, Gia Lai có Cảng Hàng không Pleiku.
Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển như: diện tích rộng, đất đai phì nhiêu, địa hình đồi núi, thung lũng, đồng bằng xen kẽ, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực, là tiền đề thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp-thương mại, đặc biệt là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Gia Lai cũng có nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, mì, chè...
Kinh tế của tỉnh phục hồi tốt sau dịch Covid-19, duy trì đà tăng trưởng. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội có tiến bộ. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được chú trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, thúc đẩy sự kết nối và lan tỏa giữa các địa phương.
Việc triển khai 4 chương trình trọng tâm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt được kết quả khả quan. Bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị có nhiều đổi mới, khởi sắc. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm và có chuyển biến tích cực; bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát triển.
Quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Lĩnh vực đối ngoại, hội nhập quốc tế được quan tâm. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, tổng thể bức tranh kinh tế giai đoạn 2020-2025 phát triển ổn định nhưng chưa có nhiều bứt phá. Kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp, không đạt mục tiêu đề ra. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Công nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất điện. Trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ chưa cao. Hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng.
Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đô thị chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn bất cập. Một số dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn chậm triển khai.
Nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xanh còn nhiều hạn chế; chưa khai thác được một cách có hiệu quả các nguồn lực tiềm năng từ đất đai, tài nguyên cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh. Hiệu quả huy động nguồn lực tư nhân, các nguồn lực trong xã hội trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh còn hạn chế.
* P.V: Thưa ông, với những thuận lợi và khó khăn như vậy, tỉnh đã có những giải pháp trọng tâm gì trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương theo hướng phát triển kinh tế xanh?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế: Trong những năm tới, tỉnh đã đề ra Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế: Trong những năm tới, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển cụ thể (đã được thông qua tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) nhằm đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, hài hòa với môi trường, hướng đến phát triển kinh tế xanh bền vững.
Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm gồm: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, đảm bảo các điều kiện thuận lợi, công bằng về lợi ích cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.
Hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, tỉnh ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực trọng điểm như: công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, năng lượng... Nâng cao chất lượng, mức độ thụ hưởng các mặt đời sống xã hội của người dân trong tỉnh, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các lĩnh vực trọng điểm và vùng động lực của tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, chính quyền số, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, hạ tầng giao thông, kết nối đô thị và vùng động lực, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ tại khu-cụm công nghiệp, hạ tầng để kết nối phát triển du lịch.
Xây dựng tỉnh theo hướng trở thành hình mẫu về mô hình phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên rừng, trở thành một trong những tỉnh đầu tiên có nền kinh tế trung hòa carbon.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện 5 đột phá phát triển. Một là, đột phá về cơ chế, chính sách: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; thúc đẩy cơ chế liên kết hình thành chuỗi sản phẩm, mô hình chuỗi sản phẩm, cơ chế liên kết; xây dựng chính sách cho các ngành ưu tiên, vượt trội như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng, du lịch, thể thao và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn nguồn lực đầu tư; cải thiện tiếp cận đất đai và chất lượng quy hoạch; xúc tiến đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; đột phá về chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh đủ phẩm chất, năng lực uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số; tối đa hóa về tốc độ cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh; công tác điều hành của chính quyền dựa trên nền tảng số, lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu.
Hai là, đột phá về nhân lực: đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng và tự đào tạo, đặc biệt có trình độ chuyên môn cao ở một số lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến công nghệ cao, y tế và chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo.
Thu hút lực lượng chuyên gia khoa học công nghệ trình độ cao ở các lĩnh vực ưu tiên; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục-đào tạo theo chuẩn quốc gia; lựa chọn một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ba là, đột phá về hạ tầng: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; hạ tầng phục vụ khu-cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin viễn thông. Ưu tiên đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh; mở rộng Cảng Hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu-cụm công nghiệp, logistics và đột phá về hạ tầng số trên nền tảng đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Bốn là, đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái: phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và có sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phục hồi hành lang đa dạng sinh học; xây dựng chuỗi công nghiệp-nông nghiệp. Cùng với đó, hình thành cụm liên ngành du lịch-thể thao-sức khỏe; tham gia các cam kết thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp và xanh…
Năm là, đột phá hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng: hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), quốc lộ 19, quốc lộ 25 sẽ là 3 hành lang kinh tế động lực kết nối TP. Pleiku và vùng phụ cận lan tỏa kinh tế-xã hội đến các địa phương trên địa bàn tỉnh thúc đẩy toàn tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4; TP. Pleiku mở rộng không gian hành chính lãnh thổ kết nối với các huyện lân cận nhằm đảm nhận nhiều chức năng mới về chuyển đổi số, dịch vụ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nông-lâm nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch, y tế, thể dục thể thao.

Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Ảnh: Phạm Quý
* P.V: Đến nay, Gia Lai đạt được kết quả bước đầu ra sao và đặt ra mục tiêu trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế: Trong nhiệm kỳ qua, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Dự ước đến cuối năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 75,69 triệu đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 30,51%. Đến nay, toàn tỉnh có 94/180 xã và 162 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo, dịch bệnh được kiểm soát; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung triển khai chủ trương về thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, xanh, bền vững; đảm bảo cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng. Tập trung chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số; chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội gắn với an sinh xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Thực hiện nghiêm công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, quản lý, điều hành của cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ mới.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới sáng tạo; sử dụng hiệu quả nguồn lực để tỉnh phát triển nhanh, xanh, bền vững, giàu bản sắc.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/uu-tien-nguon-luc-de-phat-trien-kinh-te-xanh-post320873.html