Ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi

Để hoàn thành tốt kế hoạch năm học trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục dân tộc.

Theo đó, nhiệm vụ chung là đổi mới và tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc; ưu tiên nguồn lực để đầu tư và phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi; quan tâm tổ chức thực hiện dạy học tiếng nói, chữ viết của DTTS và giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh trong các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi...

3 học sinh vượt khó học giỏi của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp được đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh tặng quà tại lễ khai giảng năm học 2021-2022. Ảnh: Xuân Túc

Bộ GD&ĐT đã đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể, gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi; thực hiện chế độ chính sách giáo dục dân tộc; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo vùng DTTS, miền núi; tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc; đẩy mạnh công tác truyền thông trong lĩnh vực giáo dục dân tộc.

Trong đó, đặc biệt lưu ý rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học. Tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông tổ chức ăn, ở cho đối tượng học sinh quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Có các giải pháp đảm bảo tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi. Duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp, tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ, tết, mùa vụ... Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm định, đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục ở địa phương từ mầm non đến phổ thông.

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp, công trình và lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên; chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…

Nam Khánh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/127059/uu-tien-nguon-luc-phat-trien-giao-duc-vung-dtts-mien-nui