Ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm

Tại Hội nghị lần mười ba, báo cáo định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Ban Cán sự đảng UBND TP trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Theo Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội, trên cơ sở nguồn vốn được giao năm 2023 và nhu cầu đầu tư công năm 2024 của các nhiệm vụ, dự án, TP dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2024 là 70.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2023.

Hà Nội phân bổ vốn đầu tư công năm 2024:

Hà Nội ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm

Hà Nội ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm

Ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm

Báo cáo về định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, trong năm 2023, TP đã thực hiện việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo đúng quy định. Tính đến ngày 31/5/2023, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công của TP là 11.643,1 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch. Ước tỷ lệ giải ngân cả năm 2023 của TP sẽ đạt trên 95%.

Theo Ban Cán sự Đảng UBND TP, hiện các Bộ, ngành, trung ương chưa thông báo nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho TP Hà Nội. Dựa trên cơ sở nguồn vốn được giao năm 2023 và nhu cầu đầu tư công năm 2024 của các nhiệm vụ, dự án, TP dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2024 là 70.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 12.305,4 tỷ đồng; vốn ngân sách TP hơn 57.964,6 tỷ đồng.

Theo đồng chí Hà Minh Hải: Nguyên tắc tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công trình trọng điểm của TP và các dự án thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, các dự án dân sinh bức xúc.

Các công trình trọng điểm của TP, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô 12.000 tỷ đồng; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá 1.697,5 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội hơn 2.179 tỷ đồng; Dự án Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo 3.878,2 tỷ đồng; Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 là 200 tỷ đồng; Dự án Cung Thiếu nhi 85 tỷ đồng; các dự án thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các dự án dân sinh bức xúc.

Năm 2024, giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt

Về định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024, Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất bố trí nguồn vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả Quỹ đầu tư phát triển TP, vốn thực hiện giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị dự án PPP, thanh quyết toán, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch...

Ban Cán sự đảng UBND TP cũng xác định rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP đạt kết quả cao nhất. Trong đó, sẽ trình chủ trương đầu tư tại kỳ họp HĐND TP giữa năm 2023 (dự kiến diễn ra đầu tháng 7/2023) đối với các dự án mới đã được dự kiến nguồn vốn tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 mà đến nay chưa được phê chủ trương đầu tư...

TP xác định công tác chuẩn bị đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

TP cũng sẽ yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác thẩm định để trình UBND TP phê duyệt dự án. Yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ khả năng thực hiện dự án để đề xuất bố trí kế hoạch vốn cho phù hợp, khắc phục tình trạng không giải ngân được hết kế hoạch vốn do tính toán, đề xuất không hợp lý.

Đặc biệt, TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình các sở chuyên ngành thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các dự án chuyển tiếp cấp TP cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án mới được giải ngân năm 2023; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư của dự án để đưa dự án vào triển khai, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao.

Đáng chú ý, TP sẽ điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, giải ngân, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn.

UBND TP cũng sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, giao sở Nội vụ lấy đây làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của người đứng đầu các địa phương, đơn vị và sẽ kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị giải ngân chậm và không đạt 90% kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, cùng với tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án, TP cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán, tạm ứng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản… Định kỳ hàng tháng, hàng quý, TP sẽ tổ chức giao ban xây dựng cơ bản cấp TP để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/uu-tien-nguon-von-cho-cac-cong-trinh-du-an-trong-diem-340420.html