Ưu tiên phát triển bến cảng phục vụ Trung tâm điện lực Sơn Mỹ tại Bình Thuận

Bộ Xây dựng vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tổng vốn đầu tư hệ thống cảng biển lên tới 14.810 tỷ đồng.

Quy hoạch được kỳ vọng sẽ đưa Bình Thuận trở thành đầu mối giao thương hàng hải chiến lược của khu vực Nam Trung Bộ.

Hình thành mạng lưới cảng biển hiện đại, đa năng

Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Bình Thuận sẽ gồm hai khu bến chính là Vĩnh Tân và Sơn Mỹ, cùng các bến cảng thành phần: Kê Gà, Tuy Phong, Phan Thiết, Phú Quý và các bến ngoài khơi như: Hồng Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Thăng Long - Đông Đô. Ngoài ra, các khu chuyển tải, neo chờ, tránh, trú bão cũng được tích hợp trong quy hoạch nhằm đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả.

Đến năm 2030, cảng biển Bình Thuận sẽ có lượng hàng hóa từ 24,1 - 29,6 triệu tấn (Ảnh minh họa).

Đến năm 2030, cảng biển Bình Thuận sẽ có lượng hàng hóa từ 24,1 - 29,6 triệu tấn (Ảnh minh họa).

Dự kiến đến năm 2030, cảng biển Bình Thuận sẽ đáp ứng khối lượng hàng hóa từ 24,1 - 29,6 triệu tấn/năm, lượng hành khách từ 970.000 - 1,08 triệu lượt/năm. Về cơ sở hạ tầng, khu vực sẽ có khoảng 15 bến cảng với 26 cầu cảng, chưa kể các bến bổ trợ khác.

Tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng hóa thông qua cảng được ước tính đạt 4,5 - 5,5%/năm, hướng đến một hệ sinh thái cảng biển hiện đại, đồng bộ và bền vững.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 được xác định khoảng 14.810 tỷ đồng. Trong đó, 7.140 tỷ đồng dành cho hạ tầng hàng hải (luồng tàu, khu neo đậu, hệ thống tín hiệu, an toàn hàng hải...). 7.670 tỷ đồng đầu tư các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.

Quy hoạch đặc biệt ưu tiên các công trình đảm bảo an toàn hàng hải, cơ sở vật chất phục vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành và bến cảng phục vụ Trung tâm điện lực Sơn Mỹ - nơi hội tụ các dự án năng lượng quy mô lớn như nhiệt điện khí, điện LNG...

Định hình từng khu cảng theo chức năng chuyên biệt

Khu bến Vĩnh Tân: Đến năm 2030 sẽ có 5 bến cảng với 10 cầu cảng, xử lý từ 15 - 19,1 triệu tấn/năm. Trong đó có Bến cảng quốc tế Vĩnh Tân tiếp nhận tàu container, hàng rời đến 100.000 tấn. Các bến cảng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3 và 4 tiếp nhận tàu từ 50.000 - 100.000 tấn.

Khu bến Sơn Mỹ, quy hoạch 3 bến cảng với 4 cầu cảng, tổng công suất từ 5,8 - 6,4 triệu tấn/năm, đóng vai trò là trung tâm logistics năng lượng LNG tại khu vực phía Nam.

Tại bến cảng Phan Thiết, ngoài hàng hóa, đây là đầu mối vận tải hành khách ven biển, dự kiến phục vụ gần 500.000 lượt khách/năm.

Bến cảng Phú Quý định hướng trở thành trạm trung chuyển hành khách và hàng hóa lớn nhất đảo Phú Quý, với lượng khách từ 500.000 - 600.000 lượt/năm.

Bến Kê Gà và Tuy Phong phục vụ vận hành các nhà máy điện khí LNG Kê Gà, tiếp nhận xăng dầu, LPG và hàng rời quy mô 7.000 tấn trở lên.

Các bến ngoài khơi như Hồng Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Thăng Long - Đông Đô: Là bến dầu khí chuyên biệt, phát triển theo tiến độ khai thác tài nguyên biển.

Bên cạnh hệ thống bến cảng, kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng cũng được chú trọng. Luồng Phan Thiết sẽ được duy trì, cải tạo để đón tàu đến 2.000 tấn. Trường hợp huy động được nguồn vốn xã hội hóa, cho phép đầu tư mở rộng luồng phù hợp với quy mô các bến cảng mới.

Hồ An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/uu-tien-phat-trien-ben-cang-phuc-vu-trung-tam-dien-luc-son-my-tai-binh-thuan-192250704170850701.htm