Ưu tiên quỹ đất ở nội đô để xây trường học
kinhtedothi- Để giải bài toán thiếu trường lớp, thời gian qua, UBND TP Hà Nội cũng như các sở, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc tháo gỡ bằng nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, với các quận lõi nội đô có quỹ đất chật hẹp và hầu như không còn thì việc sớm di dời các cơ sở sản xuất, trụ sở bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện để dành đất cho xây dựng trường học là giải pháp tối ưu.
Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, tại các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử theo thống kê sẽ có khoảng 71ha quỹ đất từ việc di dời những cơ sở sản xuất, trụ sở bộ, ngành, trường cao đẳng, đại học ra ngoại thành. Trong đó, diện tích dành cho quận Hoàn Kiếm 8,13ha, Ba Đình 7,19ha, Đống Đa 12,7ha, Hai Bà Trưng 16,4ha.
Đây là quỹ đất rất quý để TP ưu tiên triển khai bổ sung các công trình hạ tầng xã hội trong đó có trường học cho khu vực nội đô. Tuy nhiên đến nay,
Hà Nội vẫn chưa có được quỹ đất này do công tác dời của các đơn vị còn rất chậm.
Do đó, thời gian tới TP cần quyết liệt triển khai theo đúng định hướng của các quy hoạch phân khu nội đô và có những tính toán để thực hiện hiệu quả Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Rất ủng hộ chủ trương này, ông Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, trong nội đô, có nhiều các cơ sở sản xuất với không gian lớn đã chuyển ra khỏi nội đô.
Nhiều diện tích chuyển đổi các cơ quan không còn sử dụng. Khoảng không gian đó có thể dành cho đào tạo giáo dục.
Đã có những quận sử dụng hiệu quả đất này, như quận Hai Bà Trưng chuyển diện tích Nhà máy Đông Xuân sang xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở. Quận Hoàn Kiếm còn một số địa điểm như cửa hàng gạo, kho gạo hay những cơ sở từng thuộc các công ty phân phối theo mô hình tập trung bao cấp có thể chuyển đổi thành trường học rất phù hợp.
Một giải pháp nữa, đó là đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các trường tư thục cũng được nhiều chuyên gia đề cập. PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh số lượng học sinh tăng không ngừng ở Hà Nội, TP nên có cơ chế hỗ trợ hệ thống trường dân lập, tư thục như ưu tiên cho thuê đất, thuê cơ sở vật chất công theo quy định. Từ đó sẽ giảm được học phí, thu hút học sinh, tạo một không gian phát triển bình đẳng, gánh đỡ cho hệ thống trường công lập.
Đề cập đến vấn đề này, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, hiện mạng lưới trường học trên địa bàn quận đang mất cân đối giữa khối công lập và ngoài công lập.
Toàn quận có 102 trường, trong đó chỉ có 41 trường công lập còn 61 trường ngoài công lập (chiếm 60%). Nhưng số học sinh vào học các trường ngoài công lập rất ít, chỉ chiếm khoảng 5% và chủ yếu là khối mầm non. Với tỷ lệ như vậy, đã tạo gánh nặng rất lớn cho các trường công lập.
Trước thực trạng trên địa bàn quận, ông Phạm Ngọc Anh đề xuất khi lập phương án quy hoạch phát triển ngành giáo dục để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, các đơn vị tư vấn cần tính toán để cân đối hợp lý hai loại hình trường công lập và ngoài công lập.
Đồng tình với việc nên có khuyên khích kêu gọi nguồn lực xã hội tham gia vào xây dựng trường tư thục để giảm gánh nặng cho khối trường công lập. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội lưu ý cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ khối trường này. Vì như thời gian qua rất nhiều trường tư thục mầm non được thành lập nhưng do thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến chất lượng giáo dục đào tạo tại một số cơ sở không đạt yêu cầu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/uu-tien-quy-dat-o-noi-do-de-xay-truong-hoc.html