Ưu tiên vốn xây dựng, sửa chữa công trình thủy lợi

Hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều ở tỉnh ta hầu hết được đầu tư xây dựng từ những năm 1960 – 1970. Hằng năm mặc dù được Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, kiên cố nhằm nâng cao năng lực tưới, tiêu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, song do nguồn vốn hạn chế nên việc cải tạo, nâng cấp mới chỉ được tập trung ở một số công trình mang tính cấp bách, công trình đầu mối.

Thực hiện Thông tư số 68/TT-BTC, ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên để duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều, nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh ta được ưu tiên phục vụ duy tu, sửa chữa các công trình đang xuống cấp. Từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành một số hạng mục sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống luồn T4, T6 qua kênh C2 và xây dựng các kênh CG2, kênh CG4, kênh CG6, hệ thống thủy lợi khu công nghệ cao (Lý Nhân); kênh CG5 (Bình Lục). Hiện nay, nhà thầu thi công đang tập trung hoàn thiện các hạng mục cải tạo, nâng cấp kênh BH8, kênh A3-4, kênh A4-8 (đoạn từ cầu vượt Đồng Văn đến trạm bơm Bùi II, kênh A4-8-29 (thị xã Duy Tiên) và kênh Tân Hòa (Bình Lục).

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Lục, trong giai đoạn từ năm 2021- 2025 ngân sách trung ương và tỉnh ưu tiên vốn cải tạo, nâng cấp một số tuyến kênh mương của huyện với tổng kinh phí 384 tỷ đồng. Trong đó, kênh Tân Hòa là 170 tỷ đồng; kênh Chính Tây 92 tỷ đồng; kênh CG5 là 122 tỷ đồng. Tuyến kênh Tân Hòa được kiên cố với chiều dài hơn 5,2 km qua địa phận 2 xã: Tiêu Động, An Lão do UBND huyện làm chủ đầu tư được triển khai tháng 9/2022 và đến cuối năm nay hoàn thành đưa vào khai thác.

Ông Vũ Trọng Hiếu, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng huyện cho biết: Dự án thực hiện nạo vét lòng kênh, gia cố mái và bê tông mặt bờ kênh, xây dựng cầu qua đường trục xã Tiêu Động. Tuyến kênh được xây dựng kè hai bên, mặt bờ kênh phía tây bê tông rộng 5 m và phía đông mặt rộng 3 m. Đây là tuyến kênh tưới, tiêu kết hợp với đường giao thông đến nay dự án triển khai xây dựng được khoảng 90% khối lượng. Thời gian qua, ngành chức năng của huyện tăng cường giám sát ở các khâu và yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng bảo đảm theo kế hoạch nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư trên địa bàn.

Tuyến kênh Tân Hòa đoạn qua xã Tiêu Động (Bình Lục) đang được nhà thầu thi công các hạng mục theo tiến độ đề ra.

Tuyến kênh Tân Hòa đoạn qua xã Tiêu Động (Bình Lục) đang được nhà thầu thi công các hạng mục theo tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số công trình kênh mương, thủy lợi, đê, kè, cống trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp như: tuyến kênh Thống Nhất thuộc hệ thống kênh tiêu trạm bơm Ba Sao (Kim Bảng) có chiều dài khoảng 2 km phục vụ tiêu cho hơn 560 ha đất tự nhiên và sản xuất nông nghiệp của xã Khả Phong, thị trấn Ba Sao. Trước đây, khi chưa xây dựng dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc khi đóng cống nước chảy dồn về trạm bơm Ba Sao để bơm tiêu ra sông Đáy. Nay do thực hiện dự án đã san lấp toàn bộ các kênh thuộc hệ thống kênh Ba Sao và trạm bơm Ba Sao phải di chuyển vì vậy ảnh hưởng công tác tiêu trong khu vực.

Cùng với đó, tại tổ dân phố Nam Sơn, phường Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) một số thời điểm nước thải trực tiếp từ kênh mương của Khu công nghiệp Châu Sơn chảy dồn ra khu dân cư ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân. Nguồn nước từ rãnh thoát nước tiếp giáp khu vực đất cây xanh trong Khu công nghiệp thuộc các vị trí lô G, lô F dọc đường D6 sau đó chảy ra kênh B1 đến trạm bơm Thịnh Châu.

Nguyên nhân do các tuyến kênh không được nạo vét, khơi thông thường xuyên xảy ra ách tắc cục bộ dẫn đến tình trạng nước tiêu không kịp chảy dồn vào khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tại kênh xả của trạm bơm đầu mối Ngòi Ruột và Thịnh Châu là kênh đất chưa được đầu tư kiên cố do vậy mỗi khi trạm bơm hoạt động nước xả trực tiếp ra hệ thống mương gây xói lở bở kênh. Một số đoạn kè trên các tuyến đê bối đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đơn cử một số đoạn trên tuyến sông Đáy đoạn từ Trường THPT A Kim Bảng đến trạm bơm trục đứng và đoạn từ Đình ở tổ dân phố số 7, thị trấn Quế đến thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn (Kim Bảng); đoạn qua thành phố Phủ Lý từ khu dân cư xóm 2, thôn Kim Thượng đến khu dân cư xóm 18, thôn Kim Thanh (Kim Bình) có nhiều đoạn bị sạt lở; tại phường Thanh Tuyền kè hộ bờ bằng khung bê tông lát đá đã xảy ra hiện tượng sụt lún khung bê tông với chiều dài khoảng 20 m (đoạn kè từ Km114+620 - Km114+640). Còn trên tuyến đê bối Đinh Xá thuộc đê sông Châu hiện đang xảy ra sạt lở ngoài tường kè tại 4 vị trí ở khu vực các thôn 2, 4.

Từ thực tế đó, vừa qua tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 HĐND tỉnh khóa XIX đã phê duyệt nhiệm vụ chi duy tu, sửa chữa và xử lý cấp bách sự cố đê điều do địa phương quản lý đối với một số hạng mục công trình trên địa bàn.

Cụ thể là dự án cải tạo, nâng cấp các trạm bơm: Quế I, Hoàng Tây và xây mới trạm bơm Tân Sơn 2 (Kim Bảng)... Đối với tuyến kênh S17 từ xã Hưng Công đến cầu Họ xã Trung Lương (Bình Lục) chiều dài khoảng 11 km được UBND tỉnh giao cho UBND huyện nghiên cứu, báo cáo chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi kết hợp làm đường. Đồng thời, chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hà Nam kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để thực hiện các hạng mục: khơi thông một số tuyến kênh trong khu vực dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Kim Bảng); nạo vét, khơi thông dòng chảy cống Mộc Nam; kênh A3-4-9 (thị xã Duy Tiên)… Theo đó, các ngành chức năng hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi và duy tu, sửa chữa những vị trí xung yếu trên đê, bối hữu Hồng, sông Đáy, sông Châu vào cuối năm 2024.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/dau-tu/uu-tien-von-xay-dung-sua-chua-cong-trinh-thuy-loi-131840.html