Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận hơn 700 đơn thư phản ánh về kỳ nghỉ sở hữu

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, đã tiếp nhận hơn 700 đơn, thư có nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ.

Cơ quan chức năng tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi liên quan đến các giao dịch trong lĩnh vực sở hữu kì nghỉ

Mới đây, Công an TP. Hà Nội cho biết, đã nhận được nhiều đơn của người dân tố giác một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, các công ty bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhằm vào tâm lý thích được tặng quà của người dân đã mời chào khách hàng bằng hình thức gọi điện mời tham dự hội nghị, hội thảo nghỉ dưỡng để nhận voucher du lịch miễn phí tại một số khu du lịch, khách sạn 4 sao, cam kết không cần mua hàng, không cần mang theo tiền mặt mà chỉ cần căn cước công dân để xác nhận thân phận. Khách mời đến công ty theo lịch hẹn sẽ được nhân viên chăm sóc khách hàng giới thiệu về sản phẩm “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” với các gói du lịch giao động từ khoảng 200 - 900 triệu đồng tùy theo thời gian cho kỳ nghỉ dưỡng và thời hạn hợp đồng (từ 5 - 40 năm).

Tại đó, các nhân viên tư vấn đưa ra những chính sách ưu đãi giảm giá lớn khi ký kết hợp đồng, đặt cọc ngay tại sự kiện, đồng thời hứa hẹn về khả năng sinh lời khi chuyển nhượng kỳ nghỉ dưỡng cho người khác khi không có nhu cầu sử dụng... khiến khách hàng không có thời gian đọc kỹ, hiểu rõ hợp đồng đã vội vàng ký và đặt cọc. Khi khách hàng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều khoản phí thường niên; khách hàng không thể bán lại cho người khác... đã đến công ty để thanh lý hợp đồng và đòi lại tiền. Lúc này khách hàng mới nhận ra trong nội dung bản hợp đồng “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng, không thể thanh lý hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp hợp đồng sẽ giải quyết tại tòa án dân sự...

Điều này cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ đương sự khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng bằng thủ đoạn thường xuyên thay đổi tên công ty, đổi trụ sở hoạt động, thậm chí đóng cửa không còn hoạt động, không liên lạc được với đại diện theo pháp luật... dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tụ tập đông người, phức tạp về an ninh trật tự.

Thống kê các phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng về các lĩnh vực thông qua Tổng đài 1800.6838, trong đó, lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ chiếm gần 50% tổng số đơn, thư. Nguồn: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Thống kê các phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng về các lĩnh vực thông qua Tổng đài 1800.6838, trong đó, lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ chiếm gần 50% tổng số đơn, thư. Nguồn: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Thực tế tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi liên quan đến các giao dịch trong lĩnh vực sở hữu kì nghỉ.

Theo thống kê mới được công bố ngày 17/9, tính đến hết tháng 10/2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng 1.557 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng. Trong đó, có hơn 700 đơn, thư có nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ, chiếm gần 50% tổng số đơn, thư của người tiêu dùng.

Nội dung chủ yếu được người tiêu dùng phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ như: Khách hàng không được cung cấp đầy đủ thông tin hoặc được cung cấp thông tin không chính xác; khách hàng phải đặt cọc một khoản tiền lớn ngay tại sự kiện, không được cung cấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để đọc và nghiên cứu; hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có thời hạn dài, khoảng vài chục năm, trong đó, chỉ bên cung cấp dịch vụ được quyền chấm dứt hợp đồng, chủ sở hữu kỳ nghỉ không có quyền chấm dứt hợp đồng và không được hoàn trả lại tiền trong bất kỳ trường hợp nào; hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có các điều khoản bất lợi, gây thiệt hại cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các loại phí liên quan đến quyền nghỉ dưỡng như phí thường niên, phí trao đổi, phí chuyển nhượng…. tăng cao bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng; phân biệt đối xử giữa khách hàng vãng lai và các khách hàng chủ sở hữu kỳ nghỉ; khách hàng không thực hiện được quyền nghỉ dưỡng của mình hoặc quyền trao đổi kỳ nghỉ tại các địa điểm nghỉ dưỡng khác bởi các điều kiện, điều khoản mang tính hạn chế của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh kỳ nghỉ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân…

Người mua cần nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, hầu hết hợp đồng mua bán sở hữu kỳ nghỉ là hợp đồng không có trong danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 07/2024/QĐ/TTg ngày 20/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan đến phản ánh của người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, về các loại phí được định giá quá cao và các phản ánh về điều kiện bất lợi cho khách hàng, đơn vị sẽ xem xét, xác minh thông tin, trường hợp doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền để áp đặt phí dịch vụ bất hợp lý, điều kiện bất lợi, gây thiệt hại cho khách hàng có thể vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Cạnh tranh.

Còn với phản ánh hợp đồng có điều khoản thuộc trường hợp không có hiệu lực; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ, tuyên vô hiệu hợp đồng hoặc điều khoản trong hợp đồng đã giao kết; kiến nghị hoàn trả lại tiền và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng;… Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tư vấn người tiêu dùng gửi đơn phản ánh, kiến nghị đến tòa án có thẩm quyền để tuyên bố và xử lý điều khoản hợp đồng giao kết với người tiêu dùng không có hiệu lực theo quy định của pháp luật về dân sự.

Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng lưu ý và khuyến nghị đối với người mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ: Trước khi mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, người mua hãy nghiên cứu kỹ về nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ, chính sách bảo hành, phí duy trì và quyền lợi của mình. Đọc kỹ hợp đồng để đảm bảo người mua hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, người mua cần kiểm tra xem có thị trường bán lại hay không và giá trị bán lại của hợp đồng.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uy-ban-canh-tranh-quoc-gia-tiep-nhan-hon-700-don-thu-phan-anh-ve-ky-nghi-so-huu-346688.html