Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp Phiên toàn thể lần thứ 11
Chiều tối 12.2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 11, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tham dự có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Xã hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Ủy ban có hai nội dung cần thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến gồm: các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
![Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460577/c1a6a6a391ed78b321fc.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo thống nhất đưa dự án vào vận hành trong năm 2030 để bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, trước mắt triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Qua đó, Chính phủ nhận thấy, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án này.
![Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460577/67950d903aded3808acf.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã rất khẩn trương phối hợp với Bộ Công thương cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và các tài liệu. Nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42 vừa qua.
![Quang cảnh phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460577/d811a614915a7804214b.jpg)
Quang cảnh phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy đề nghị, các đại biểu tham dự phiên họp tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để góp phần có thêm cơ sở, thông tin cũng như các chất liệu để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của pháp luật.
![Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460577/db575c536b1d8243db0c.jpg)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
![Đại biểu tham dự phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51460577/5c34dc30eb7e02205b6f.jpg)
Đại biểu tham dự phiên họp
Tiếp đó, các đại biểu đã cho ý kiến vào các nội dung trọng tâm như: sự cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; cơ sở chính trị; thời điểm đề nghị thông qua; phạm vi chính sách và đối tượng áp dụng; lựa chọn nhà thầu; trình tự, thủ tục thực hiện, định mức, đơn giá đấu thầu; vấn đề bảo vệ môi trường...