ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 14 THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI).

Sáng 21/4, tại Hải Phòng, theo chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Các đại biểu tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, đánh giá cao trong quá trình soạn thảo đã kịp thời tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật; bên cạnh đó các đại biểu cũng quan tâm góp ý nhiều nội dung lớn của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều, tăng hơn 13 Điều so với Luật Nhà ở năm 2014. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trước đó, tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này. Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đã có tiếp thu, giải trình về các nhóm vấn đề như sở hữu nhà chung cư có thời hạn; về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; thời điểm xác lập quyền sở hữu và chuyển quyền sở hữu nhà ở; một số nhóm vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước để tránh sơ hở lợi dụng; các nhóm vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp như quy định các giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở, xây dựng, phê duyệt điều chỉnh chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, nguyên tắc bán, cho thuê mua, thuê nhà ở xã hội; việc tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để các quy định của dự thảo bảo đảm tính khả thi, hài hòa lợi ích hợp pháp của người dân doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhận thấy, đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất, nhất là đối với phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Do vậy, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở; tuy nhiên có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, Chính phủ đã chỉnh sửa lại quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật theo hướng kế thừa quy định của Luật số 03/2022/QH15 đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hoặc có quyền sử dụng đất ở và đất khác và bổ sung trường hợp có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở theo quy định của pháp luật đất đai.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại một số quy định liên quan đến việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, vấn đề chuyên gia, người lao động nước ngoài lưu trú tại nhà lưu trú công nhân bố trí trong khu công nghiệp... để bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, lợi dụng chính sách. Do đó, Chính phủ đã tiếp thu, rà soát để chỉnh sửa lại dự thảo tại Điều 73 về Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, Điều 80 về Đất để xây dựng nhà ở xã hội, Điều 82 về Ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, Điều 88 về Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân), Điều 90 về Điều kiện thuê nhà lưu trú công nhân.

Tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu dành nhiều sự quan tâm về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh bởi dù kế thừa luật hiện hành và có những nội dung bổ sung nhưng vẫn có những chồng lấn với một số luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) mà cả 3 dự án luật này đều trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới. Bên cạnh đó, một số nội dung chồng lấn với Luật Xây dựng mà một khi nội dung luật có sự chồng lấn hoặc không rõ ràng thì sẽ gây vướng mắc khi thi hành trên thực tiễn và làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Còn ý kiến khác nhau về việc quy định chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh

Các đại biểu cũng quan tâm đến các nội dung lớn của dự thảo Luật như chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh. Về vấn đề này có 02 loại ý kiến. Theo đó, nhóm ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trong dự thảo Luật nhưng đề nghị giải trình, làm rõ và chỉnh lý chặt chẽ hơn một số nội dung về Chương trình phát triển nhà ở là các nội dung quản lý quá cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản; đồng thời, cần rà soát lại nội dung của Kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy hoạch tỉnh đang được quy định tại Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia chỉ rõ thực tế tại các địa phương nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như điện lưới, đường xá nhưng lại không thấy có nhà ở, không có người đến ở gây lãng phí trong đầu tư hạ tầng. Nhấn mạnh đây là sự lãng phí rất lớn, nên việc xây dựng nhà ở cần có tính toán để bảo đảm không phá vỡ tính thống nhất với các quy hoạch khác và bảo đảm phù hợp với nhu cầ thực tế của địa phương.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu

Cùng quan điểm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh cũng cho rằng tại các địa phương cần ban hành chương trình phát triển nhà ở nhât là khi các tỉnh có xu hướng giao quỹ đất và tăng thu từ tiền sử dụng đất thông qua đấu giá mà không cần biết nhu cầu thực tế. Do thiếu quy hoạch cụ thể về đất đai, xây dựng nên việc có chương trình cụ thể về phát triển nhà ở tại các địa phương nhằm hạn chế đấu giá, phân lô bán nền, ảnh hưởng đến quỹ đất sản xuất, tránh lãng phí đất đai.

Trong khi đó, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị nghiên cứu tích hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng để tránh chồng chéo, trùng lặp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật

Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật

Trao đổi kinh nghiệm của Nghệ An trong quá trình xây dựng quy hoạch, đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh cho biết trong quy hoạch tỉnh sẽ có các chỉ tiêu về nhà ở, chỉ tiêu về đất ở…Do đó không cần thiết quy định ban hành riêng chương trình kế hoạch về phát triển nhà ở mà nghiên cứu tích hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng để tránh làm phát sinh thêm chi phí ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung này, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp, đã tập trung vào những vấn đề lớn và toàn diện của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là cơ sở để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, cần rà soát trình tự, thủ tục phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương bảo đảm phân cấp phân quyền mạnh mẽ, rành mạnh, rõ ràng về trách nhiệm, đặc biệt phải phân cấp dứt điểm để các bộ, ngành, địa phương rõ trách nhiệm, tránh tình trạng phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền, kéo dài thủ tục thực hiện. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, hạn chế tối đa tình trạng luật khung, luất ống, bảo đảm rõ và cụ thể.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

 Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu chào mừng

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu chào mừng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp, gợi ý nội dung thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp, gợi ý nội dung thảo luận

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh phát biểu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam phát biểu

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75102