Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 26

Sáng 19.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 26. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Ngô Trung Thành, Nguyễn Trường Giang đồng chủ trì phiên họp.

Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên; các Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Hoàng Anh Công, Trần Thị Nhị Hà; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan.

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra các nội dung: dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp; đề nghị bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu tại phiên họp

Trình bày Tờ trình Về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 7 chương, 49 Điều. Cụ thể, Chương I: Những quy định chung; Chương II: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp xúc cử tri; Chương III: Tổ chức tiếp xúc cử tri; Chương IV: Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chương V: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; Chương VI: Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Chương VII: Điều khoản thi hành.

Để làm rõ nội hàm hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung khái niệm “Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”. Bên cạnh đó, cũng bổ sung các khái niệm “Kiến nghị của cử tri”,“Tiếp xúc cử tri trực tuyến”; quy định cụ thể hóa nguyên tắc tiếp xúc cử tri và hình thức tiếp xúc cử tri để làm cơ sở cho việc quy định xuyên suốt việc tổ chức tiếp xúc cử tri tại dự thảo Nghị quyết liên tịch.

 Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày Tờ trình Về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày Tờ trình Về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp do Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên trình bày, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất trong công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND; bảo đảm mọi cử tri được trực tiếp gặp gỡ, bày tỏ, tâm tư, nguyện vọng đối với đại biểu HĐND; hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND.

 Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp

Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 6 chương, 43 điều. Chương 1: Những quy định chung; Chương 2: Quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc tiếp xúc cử tri; Chương 3: Nội dung, hình thức, hoạt động tiếp xúc cử tri; Chương 4: Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chương 5: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết kiến nghị của cử tri; Chương 6: Điều khoản thi hành.

Cho ý kiến về 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch, các thành viên Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ các dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ thành phần theo quy định. Tuy nhiên, nội dung một số tài liệu như Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo tổng kết thi hành... cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện.

 Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm giữ 2 dự thảo Nghị quyết như hiện nay để kế thừa cách thức quy định trước đây. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 2 Ban soạn thảo để xây dựng 2 dự thảo Nghị quyết riêng biệt, đến nay việc xây dựng các dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã hoàn thành. Hơn nữa, ban hành 2 nghị quyết riêng biệt điều hành công tác tiếp xúc cử tri cho 2 đối tượng khác nhau sẽ thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng, 2 dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung quy định có tính chất tương đồng và đều có cùng cơ sở pháp lý là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao quy định chi tiết. Do đó, việc hợp nhất 2 dự thảo Nghị quyết giúp giảm bớt văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đối với hình thức tiếp xúc cử tri, tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội quy định 4 hình thức tiếp xúc cử tri, gồm: tiếp xúc cử tri trực tiếp, tiếp xúc cử tri trực tuyến, tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến và hình thức tiếp xúc cử tri khác phù hợp với thực tiễn và trình độ phát triển của khoa học, công nghệ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết mới chỉ giải thích từ ngữ về tiếp xúc cử tri trực tuyến. Do đó, để giúp chủ thể có thẩm quyền thuận lợi hơn trong việc lựa chọn phương thức hoặc hình thức phù hợp trong quá trình tổ chức tiếp xúc cử tri, các ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung giải thích về hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp và tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tin, ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uy-ban-phap-luat-hop-phien-toan-the-lan-thu-26-post390746.html