Ủy ban Pháp luật và Tư pháp họp Phiên toàn thể lần thứ 2
Sáng 23/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 2 để thẩm tra các dự án luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách, chuẩn bị cho Phiên họp thứ 44 của UBTVQH đợt 2 và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự có: các Phó Chủ nhiệm Ủy ban và thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ Pháp luật và Tư pháp.
Cùng dự có: Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…
Dự kiến thẩm tra 13 dự án luật, nghị quyết
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 2 để thẩm tra các dự án luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách; nhấn mạnh, khối lượng công việc của Ủy ban còn rất lớn để kịp thời chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì 27 nội dung, trong đó có nhiều nội dung lớn và quan trọng, bao gồm: sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; 21 luật, nghị quyết của Quốc hội; 5 pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Phiên họp
Lưu ý thời gian chuẩn bị Hồ sơ các dự án luật, nghị quyết rất khẩn trương, gấp gáp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, thời điểm này các Cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã nhận được rất nhiều hồ sơ dự án luật, nghị quyết cùng lúc.
“Hiện Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã thẩm tra 5 nội dung, còn 21 nội dung phải thẩm tra từ nay cho đến Kỳ họp thứ 9. Vì vậy, Phiên họp toàn thể lần thứ 2 diễn ra trong 2,5 ngày (23-25/4), dự kiến thẩm tra 13 dự án luật, nghị quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Theo chương trình Phiên họp, sáng 23/4, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản.
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Tờ trình tóm tắt về 03 dự án Luật nêu trên, sau đó tiến hành thảo luận về các nội dung này. Các ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án Luật.
Tán thành tổ chức bộ máy TAND 3 cấp
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực (sửa đổi Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham dự Phiên họp
Về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, dự thảo Luật bổ sung thành phần của Hội đồng gồm 01 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 01 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 01 Chánh án Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định để thay cho 03 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật hiện hành.
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành sửa đổi, bổ sung Luật TAND năm 2024 để thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, bao gồm cả TAND; tán thành áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành dự án Luật này để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra theo chủ trương của Trung ương.
Các đại biểu nhận thấy, Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thành phần hồ sơ đáp ứng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thủ tục rút gọn. Đồng thời tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung và bố cục của dự thảo Luật, theo đó lần sửa đổi này tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn TAND theo chủ trương của Trung ương. Với phạm vi sửa đổi, bổ sung nêu trên, bố cục của dự thảo Luật gồm 4 điều (sửa đổi 23 điều, bổ sung 1 điều, bãi bỏ 9 điều, 2 khoản; sửa đổi, bổ sung 14 luật liên quan; quy định chuyển tiếp, hiệu lực thi hành của Luật).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại Phiên họp
Về tổ chức bộ máy, các ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định tổ chức bộ máy TAND 03 cấp gồm TAND tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực; giữ nguyên Tòa án quân sự. Kết thúc hoạt động TAND cấp cao, TAND cấp huyện. Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân tối cao, các đại biểu cơ bản tán thành giao nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án/ quyết định có hiệu lực của TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, đề nghị TANDTC có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, năng lực cán bộ, điều chuyển Thẩm phán và ứng dụng CNTT... để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp tỉnh, các ý kiến tán thành với dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án/ quyết định có hiệu lực của Tòa án khu vực bị kháng nghị.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Các ý kiến cũng góp ý về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân khu vực; Thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC; về điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành của Luật…
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, mục đích xây dựng Luật này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo 03 cấp là Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo chủ trương của Đảng. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 03 điều (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp).

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân
Góp ý về nội dung này, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy VKSND theo định hướng không tổ chức cấp huyện, gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60-NQ/TW).
Các ý kiến nêu rõ, Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 về trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến và quyết định bổ sung vào dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Các ý kiến tán thành phạm vi sửa đổi được xác định tại Tờ trình của VKSNDTC và dự thảo Luật, đó là chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, các ý kiến nhận thấy, dự thảo Luật đã bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND. Theo đó, hệ thống VKSND có 03 cấp (gồm VKSNDTC, VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực), kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện. Tuy nhiên, đề nghị VKSNDTC tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong Luật Tổ chức VKSND hiện hành nhằm thực hiện đầy đủ, đúng đắn yêu cầu của Đảng về kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.
Cùng với đó, các đại biểu cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND các cấp, một mặt tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tổ chức VKSND hiện hành, mặt khác có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với mô hình tổ chức mới của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ thẩm quyền quy định địa bàn hoạt động đối với VKSND khu vực để tránh khoảng trống pháp luật.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu nêu.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản. Dự thảo Luật gồm 06 điều, trong đó có 05 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 05 Bộ luật, Luật gồm: (1) Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung 47 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 04 điều); (2) Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung 23 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 01 điều); (3) Luật Tư pháp người chưa thành niên (sửa đổi, bổ sung 18 điều); (4) Luật Phá sản (sửa đổi, bổ sung 07 điều); (5) Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sửa đổi, bổ sung 07 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 01 điều) và 01 điều khoản thi hành.
Các ý kiến tán thành áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành dự án Luật này để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra theo chủ trương của Trung ương; Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét theo thủ tục rút gọn. Các ý kiến cũng góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Phá sản; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 3, Điều 5 dự thảo Luật)…
Tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận Phiên họp
Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo (TANDTC, VKSNDTC) của 03 dự án Luật đã chủ động, khẩn trương, phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp trong quá trình xây dựng Hồ sơ các dự án Luật. Hồ sơ các dự án Luật đủ điều kiện trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 44 xem xét, cho ý kiến.
Các ý kiến cơ bản đồng tình với việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành các dự án Luật này; đồng tình với phạm vi sửa đổi, các yêu cầu chung cũng như thống nhất với nhiều nội dung trong các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
Trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị Thường trực Ủy ban tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra các dự án Luật, kịp thời gửi UBTVQH.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham dự Phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham dự Phiên họp

Đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiệm sát nhân dân tối cao tham dự Phiên họp

Đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiệm sát nhân dân tối cao tham dự Phiên họp

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao trình bày các Tờ trình tóm tắt về các dự án luật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Trần Hồng Nguyên phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận Phiên họp
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93655