Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty khôi phục sản xuất, kinh doanh, chung tay nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3.

Doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục hậu quả sau bão

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khẩn trương làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, nắm bắt tình hình thiệt hại và nhanh chóng thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục thiệt hại sau bão.

Cán bộ, công nhân viên EVN khẩn trương và nỗ lực khắc phục các hậu quả của cơn bão số 3. Ảnh: Nhật Quang

Cán bộ, công nhân viên EVN khẩn trương và nỗ lực khắc phục các hậu quả của cơn bão số 3. Ảnh: Nhật Quang

Cụ thể, Ủy ban đã chỉ đạo, phân công Lãnh đạo các đơn vị của Ủy ban phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương tập trung khắc phục các tài sản bị hư hỏng; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu bão; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt.

Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 đã kịp thời ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh (riêng đối với hệ thống điện, dự kiến khắc phục xong và đi vào hoạt động trở lại trước ngày 20/9/2024). Đồng thời, các Tập đoàn, Tổng công ty đóng trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng đã ủng hộ cho các hộ dân và các địa phương để sớm khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.

Trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 3. Đến nay, các phụ tải quan trọng tại tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã cấp điện trở lại; trong đó, đã đóng điện được 44/59 đường dây 110 kV, 27/30 đường dây TBA 10kV; 148/180 đường dây trung áp; cấp điện trở lại cho 228.148/461.678 khách hàng (đạt tỷ lệ gần 50%). Các trạm bơm tiêu úng tại thị xã Đông Triều (Đức Chính, Việt Dân, Thủy An, Hồng Phong) đã được cấp điện trở lại. Tại Hải Phòng, 242/246 đường dây trung thế đã được khôi phục, 720.393/793.850 khách hàng đã cấp điện trở lại, đạt tỷ lệ 92%.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão. Số nhân lực trực tiếp đi làm ngày 12/9/2024 của các đơn vị sản xuất than tại Quảng Ninh là 39.487 người/56.995 người, tương ứng 69% tổng số lao động; bảo đảm cung ứng đủ than cho sản xuất điện.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, vận tải hành khách và logistics, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chỉ đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cát Bi chủ động triển khai ngay việc xử lý khắc phục hậu quả tại cảng để đảm bảo khôi phục lại hoạt động bay tại cảng.

Gần 30 tấn hàng cứu trợ vùng bão lũ miền Bắc liên tục cất cánh trên những chuyến bay Vietnam Airlines. Ảnh: Nhật Quang

Gần 30 tấn hàng cứu trợ vùng bão lũ miền Bắc liên tục cất cánh trên những chuyến bay Vietnam Airlines. Ảnh: Nhật Quang

Cụ thể, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 7/9/2024 đã hoàn tất công tác kiểm tra đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, và đảm bảo an toàn khai thác trở lại; và vào lúc 00 giờ 05 phút ngày 8/9/2024, chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau thời gian tạm ngưng tiếp thu tàu bay do ảnh hưởng của bão. Tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 7/9/2024, cơ bản đã hoàn thành công tác khắc phục sau bão và vào lúc 01 giờ 38 phút ngày 8/9/2024 chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sau thời gian tạm ngưng tiếp thu tàu bay do ảnh hưởng của bão.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chỉ đạo lên phương án khắc phục và trang bị một số máy móc cần thiết để phục vụ chạy tàu sau khi thông tuyến; đến nay, đã thông tuyến, chạy tàu trở lại toàn bộ các tuyến đường sắt bị ảnh hưởng do bão.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ cho các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nhật Quang

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ cho các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Nhật Quang

Đến nay, toàn bộ tuyến vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ đã thông suốt; đặc biệt là 700 tấn hàng cứu trợ được vận chuyển bằng đường sắt, 30 tấn hàng cứu trợ được vận chuyển bằng đường hàng không từ thành phố Hồ Chí Minh ra miền Bắc.

Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, VNPT đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố dịch vụ di động và băng rộng cố định. Tính đến hết ngày 13/9/2024, VNPT đã khôi phục 95,22% các cơ sở hạ tầng trạm di động và đảm bảo liên lạc thông suốt; dự kiến khắc phục 4,78% cơ sở hạ tầng di động mất liên lạc cơ bản hoàn thành trước 20/09/2024; khôi phục liên lạc tất cả các huyện đảo tại Quảng Ninh (Cô Tô, Quan Lạn…), Hải Phòng (Bạch Long Vỹ, Cát Bà); khôi phục 97,4% thiết bị truy nhập trên toàn mạng và thuê bao internet cáp quang đã hoạt động là 1,91 triệu/2,13 triệu (tương ứng 89,8%). Dự kiến, VNPT sẽ khắc phục các thuê bao băng rộng cố định mất liên lạc về cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2024.

Các cửa hàng MobiFone tại Hải Phòng, Quảng Ninh… đã mở cửa suốt đêm hỗ trợ sạc điện, roaming sóng miễn phí, cung cấp cho người dân nước máy, tín hiệu wifi; điều phối xe phát sóng di động hoạt động hết công suất để cứu hộ những khu vực khó khăn trong địa bàn các tỉnh, thành phố gặp bão.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã ủng hộ trên 11 tấn hóa chất xử lý nước, 1.000 túi quà bột giặt, chất tẩy rửa đến một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ (Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Cao Bằng) và người lao động bị ảnh hưởng trong Tập đoàn.

Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) bảo đảm số lượng lương thực, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty ủng hộ gần 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3

Nhằm chung tay khắc phục hậu quả bão số 3, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã kịp thời triển khai các hoạt động vận động, quyên góp và triển khai ủng hộ, hỗ trợ, chia sẻ trước những thiệt hại do cơn bão gây ra. Đến nay, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã ủng hộ gần 500 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ủng hộ 93,5 tỷ đồng; TKV ủng hộ 70 tỷ đồng; VNPT ủng hộ 50 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone ủng hộ 51 tỷ đồng, EVN ủng hộ 30 tỷ đồng…

 Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty ủng hộ gần 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Nhật Quang

Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty ủng hộ gần 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Nhật Quang

Trong thời gian tới, các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh bị thiệt hại để chia sẻ với người dân và ủng hộ địa phương; cung cấp các chuyến xe 0 đồng để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến vùng bị ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão; ủng hộ hóa chất để xử lý nước, gạo đến người dân.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-chi-dao-doanh-nghiep-khan-truong-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-346245.html