Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại họp phiên toàn thể thứ nhất

Sáng 23.4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội (22 Hùng Vương, Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ nhất.

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc; các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan.

 Quang cảnh Phiên họp

Quang cảnh Phiên họp

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra các dự án Luật: Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc

Về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, để phục vụ quá trình thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban đã ban hành Kế hoạch khảo sát số 114/KH-UBQPANĐN15 và đã tiến hành khảo sát, làm việc tại một số đơn vị để các ĐBQH có nhiều thông tin trong quá trình nghiên cứu, cho ý kiến về dự án Luật.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại mong muốn, các đại biểu tích cực tham gia ý kiến thẳng thắn đối với Tờ trình, nội dung dự thảo Luật để Ủy ban hoàn thiện Báo cáo thẩm tra.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Hải Hưng phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Hải Hưng phát biểu

Theo Tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, việc ban hành dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý cho thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước và Nhân dân, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Dự thảo Luật gồm 6 Chương, 42 Điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp.

Dự thảo Luật đã cụ thể hóa 2 chính sách được thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng dự án Luật, gồm: Chính sách 1: Biện pháp áp dụng trong Tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo, điều hành và quyết định áp dụng các biện pháp đặc biệt của một số chủ thể trong tình trạng khẩn cấp. Chính sách 2: Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; cứu trợ, hỗ trợ người dân ứng phó trong và sau tình trạng khẩn cấp.

 Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tán thành việc ban hành dự án Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống, khắc phục thảm họa, sự cố, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, xử lý các tình huống cấp bách về quân sự, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sẵn sàng ứng phó hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, Luật này tập trung vào quy định về trình tự, thủ tục ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp và các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, đề nghị rà soát quy định về xác định tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền, biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để không quy định các nội dung này trong dự thảo Luật.

Nhiều ý kiến đồng tình về nguyên tắc hoạt động trong tình trạng khẩn cấp (Điều 3) song có ý kiến cho rằng, các nguyên tắc chưa thể hiện được tính đặc thù của tình trạng khẩn cấp. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc: “Tăng thẩm quyền chỉ đạo, điều hành cho cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong ứng phó, ngăn chặn, khắc phục hậu quả trong tình trạng khẩn cấp” và “Ưu tiên mọi nguồn lực cho lực lượng thi hành và triển khai thực hiện các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp".

 Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trịnh Xuân An phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trịnh Xuân An phát biểu

Về lực lượng thi hành trong tình trạng khẩn cấp (Điều 31), đa số ý kiến cho rằng, trong tình trạng khẩn cấp thì việc xác định lực lượng thi hành là rất quan trọng. Về nguyên tắc, việc xây dựng, tổ chức lực lượng là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tiễn và rà soát với các Luật có liên quan, một số ý kiến đề nghị, cần xác định nguyên tắc để tổ chức lực lượng theo hướng có lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi trong thi hành tình trạng khẩn cấp.

Có ý kiến cho rằng, để bảo đảm sẵn sàng cho việc ứng phó, khắc phục trong tình trạng khẩn cấp, cần thiết phải quy định về lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tương ứng với từng loại tình trạng khẩn cấp, ngoài lực lượng được quy định như dự thảo Luật còn có các lực lượng khác như: lực lượng phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Đồng thời, bổ sung quy định về đào tạo, huấn luyện, diễn tập và chế độ, chính sách thường xuyên cho các đối tượng để bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định có tính nguyên tắc về Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy tình trạng khẩn cấp trong dự thảo Luật này tương ứng với quy định các dạng tình trạng khẩn cấp và quy định về các cơ quan chủ trì xử lý tình trạng khẩn cấp trong các Luật chuyên ngành…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Hải Hưng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uy-ban-quoc-phong-an-ninh-va-doi-ngoai-hop-phien-toan-the-thu-nhat-post411138.html