Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Dự thảo mới nhất Luật TTATGT đường bộ có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 8 điều do bổ sung 5 điều mới; gộp 4 điều thành 2 điều; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, sáng 15/3 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp. Dự phiên họp có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện các bộ, ngành chức năng.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung, chỉnh lý tại các điều có liên quan trong dự thảo luật.
Cấm nồng độ cồn khi lái xe vừa giảm tai nạn vừa bảo vệ giống nòi
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu và dư luận quan tâm thời gian qua, đó là quy định về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. “Quy định trên kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Quy định trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt. Số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia giảm. Cấm hành vi này với mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra, được các nhà khoa học ủng hộ.
Đến nay, quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”. Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng; có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệnh kết quả xử lý”- Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Về một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, việc này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân; không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn. “Về hạn chế là làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác. Khó bảo đảm tính khả thi khi người uống rượu, bia không thể biết lúc nào đến ngưỡng để dừng lại” – Chủ nhiệm UBQPAN nhấn mạnh và cho biết, Thường trực UBQPAN nhất trí với đề xuất của Chính phủ và tha thiết đề nghị UBTVQH lựa chọn Phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều ủng hộ quy định của Chính phủ đưa ra. Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ nhất trí với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. “Qua thời gian thực hiện, quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống và được đông đảo người dân đồng tình, đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đồng thời làm giảm các vụ tai nạn giao thông. Như trong báo cáo của UBQPAN thì trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn thì số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia đã giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, việc giảm sử dụng rượu bia đã trực tiếp giảm hơn 30 căn bệnh nguy hiểm và giảm gián tiếp hơn 100 căn bệnh khác do sử dụng rượu bia gây ra” – Trưởng ban công tác đại biểu nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga và nhiều đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với quy định này và cho rằng, việc cấm lái xe mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn đã được Quốc hội khóa XIV quy định, đang phát huy rất tốt, không có cớ gì chúng ta bàn bạc để thay đổi.
Cần thiết bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe
Về nội dung này, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe. “Thường trực UBQPAN thấy rằng Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo Điều 57 về điểm của Giấy phép lái xe như trong dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định các nguyên tắc về trừ điểm, khôi phục điểm” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ.
Trong quy định này tại Điều 57, dự thảo Luật TTATGT đường bộ, Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe; quy định cụ thể mức trừ điểm với các hành vi.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu; đánh giá các ý kiến đều nghiên cứu trách nhiệm, sâu sắc, khoa học, phù hợp. “Chúng tôi xin nghiêm túc tiếp thu, cùng với Bộ Giao thông vận tải và UBQPAN chỉnh lý, giải trình để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Theo Điều 57 dự thảo luật thì người lái xe có 12 điểm, nếu vi phạm thì sẽ bị trừ theo quy định của Chính phủ. Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Dự thảo mới nhất của Luật TTATGT đường bộ có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới; gộp 04 điều thành 02 điều; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo.