Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Chiều 19/8/2024, tiếp tục phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi)
Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012; năm 2018; năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi Luật Điện lực năm 2004 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam (trong đó có lĩnh vực điện lực) được ban hành như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trong đó, yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa); Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trong đó yêu cầu thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác)...
Đồng thời, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cụ thể như: Chất lượng xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch ngành điện chưa cao; cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ đảm bảo chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện gió ngoài khơi sang chính sách cạnh tranh để hướng tới cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa về thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; chưa triển khai đầy đủ các cấp độ về thị trường điện cạnh tranh; một số quy định trong Luật hiện hành chưa đầy đủ, cần sửa đổi, bổ sung như về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; khuyến khích tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu điện, an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thủy điện...
Nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước (đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TW) tại Luật Điện lực, tổ chức triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khắc phục các tồn tại, hạn chế mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, Bộ Công Thương đã tham mưu để Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực năm 2004.
Qua đó, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2004.
Bám sát 6 chính sách lớn
Về quá trình xây dựng dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Việc soạn thảo dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) với các hoạt động cụ thể như sau: Bộ Công Thương đã xây dựng báo cáo rà soát, đã phát hiện có một số luật liên quan trực tiếp đến hoạt động điện lực; thực hiện tổng kết, đánh giá quy định của Luật Điện lực hiện hành và xác định rõ những nội dung, chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Điện lực và thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập để xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trong tháng 3/2024.
Dự thảo Luật sau khi được Ban soạn thảo thông qua đã được gửi lấy ý kiến theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng ba hình thức đăng tải toàn văn dự thảo luật và tờ trình trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương; lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan, các đơn vị điện lực và các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực điện lực; tổ chức hội thảo 3 miền và các cuộc họp chuyên đề trong tháng 4, tháng 5/2024.
Hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 6/2024 và hoàn thiện trình Chính phủ tại Tờ trình số 4742/TTr-BCT ngày 5/7/2024. Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án luật và thông qua tại Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 3/8/2024. Đến nay, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện.
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn bao gồm:
Thứ nhất, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Thứ hai, phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
Thứ tư, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.
Thứ năm, quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.
Thứ sáu, an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Theo đó, Dự thảo Luật do Chính phủ trình đã bám sát vào 6 chính sách nêu trên và không bổ sung chính sách mới.
Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Dự thảo Luật Điện lực bao gồm 9 chương với 121 điều. Trong đó, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện; bỏ 4 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực); gộp 4 điều vào các điều khác (chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện).
Bên cạnh đó, bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…
Về phạm vi điều chỉnh, ông Trương Thanh Hoài cho hay, để làm rõ hơn về 6 chính sách được xây dựng, phạm vi điều chỉnh của Luật Điện lực (sửa đổi) quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Về đối tượng áp dụng, trên cơ sở các chính sách được xây dựng, đối tượng áp dụng của Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến hoạt động điện lực tại Việt Nam.
Dự thảo Luật đã đảm bảo về sự tương thích với các điều ước/cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đảm bảo nguyên tắc bảo đảm bình đẳng nam, nữ và không phân biệt đối xử về giới, cụ thể hóa và đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Bình đẳng giới.
Dự thảo Luật này không có nội dung trái Hiến pháp, các nội dung đề xuất công khai, minh bạch, không có chính sách trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Các quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra; đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Vấn đề phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính: Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (trung ương và địa phương) trong việc xây dựng chính sách, quản lý ngành điện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện lực và sử dụng điện nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phù hợp với thực tiễn thi hành trong lĩnh vực điện lực.
Về thủ tục hành chính, đã bãi bỏ 19 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 1 thủ tục hành chính và có 29 thủ tục hành chính mới. Một số thủ tục hành chính phát sinh là để thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, tách các thủ tục hành chính phức tạp hiện nay thành các thủ tục hành chính riêng biệt, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, qua đó đạt mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch và cắt giảm chi phí tuân thủ cho tổ chức tham gia hoạt động điện lực.
Các thủ tục hành chính được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các thủ tục hành chính về cấp phép và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.