Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Chiều ngày 16/8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết: phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân (khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018).

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự

Phòng thủ dân sự bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình, khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh; hoặc tổng thể các hoạt động được chuẩn bị để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục khi có thảm họa, sự cố xảy ra. Cụ thể hóa quy định về phòng thủ dân sự trong Luật Quốc phòng, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 về phòng thủ dân sự.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một đạo luật về phòng thủ dân sự, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động thực tiễn.

Thứ nhất, việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự là rất cần thiết nhằm bổ khuyết vào những khoảng trống của pháp luật hiện hành, bao quát đầy đủ hơn về hoạt động phòng thủ dân sự.

Thứ hai, việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật, bao quát các quy định pháp lý về phòng thủ dân sự nâng thành một đạo luật để áp dụng thống nhất.

Thứ ba, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thứ tư, việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Thứ năm, phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng, tạo cơ sở để chúng ta nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự của Việt Nam.

"Từ các lý do trên, hiện nay, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự của Việt Nam đã chín muồi và rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân" - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Mục đích xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố nhằm bảo vệ cao nhất tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khắc phục khoảng trống của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được bố cục thành 7 chương, 75 điều. Nội dung Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022.

Cụ thể, gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố.

Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-phong-thu-dan-su-217349.html