Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa Hiến pháp, sắp xếp đơn vị hành chính
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính; cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.
Ngày 9/4, Văn phòng Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra 2 đợt: Đợt 1 trong 4 ngày (14-17/4); đợt 2 trong 4,5 ngày (23/4 đến sáng 28/4).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo chương trình dự kiến, tại đợt 1 của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế Nghị quyết số 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ đề nghị: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về: Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.
Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với các dự án luật, gồm: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Cùng đó là cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến với nhiều dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi; Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội.
Cũng tại đợt 1 của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác: Đề án, Phương án thiết kế xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội...
Tại đợt 2 của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến: Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét để trình Quốc hội quyết định việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026.
Việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT cũng được các đại biểu cho ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến một số dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...
Văn phòng Quốc hội cho biết, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thời gian dự phòng để xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, các luật, nghị quyết có liên quan để triển khai chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp… để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo yêu cầu tại Kết luận 126, Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Công văn số 43 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.
Phiên họp cũng dự phòng xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Thông báo số 03 về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Thông báo số 133 của Văn phòng Trung ương Đảng; xem xét một số nội dung khác (nếu có).