Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Chiều 12.8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề tháng 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy với 78 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 32 lượt phát biểu ý kiến tại Hội trường và 1 ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Ngay sau Kỳ họp thứ Bảy, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, thể hiện quan điểm đối với một số ý kiến, nội dung đại biểu Quốc hội đã đặt ra tại Kỳ họp thứ Bảy. Thường trực Ủy ban Xã hội hiện đã nhận được Báo cáo số 84/BC-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, đến nay, hầu hết các nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi chỉnh lý đều đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan, trừ nội dung về giám sát của công đoàn quy định tại Điều 16 của dự thảo Luật.