Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đến cuối năm có giải ngân hết 16.100 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm?
Chiều 12-10, cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ từ giờ đến cuối năm liệu có thể giải ngân hết 16.100 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm như đề xuất hay không?
Nhắc lại đánh giá của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, việc ra được Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng rất kỳ công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các bộ, ngành, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phải đầu tư rất nhiều thời gian.
Để ra được Nghị quyết, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Diễn đàn Kinh tế-xã hội, trước đó cũng tổ chức rất nhiều cuộc tọa đàm. Từ đó mới thiết kế được chính sách, trình Quốc hội. Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao, không có ý kiến trái chiều.
“Cho đến nay thấy giá trị nghị quyết này rất kịp thời, rất đúng. Có nội dung không thực hiện hoặc chưa thực hiện được hết nhưng về tổng thể mà nói đã bổ sung một lượng vốn lớn cho nền kinh tế và giúp cho kinh tế - xã hội hồi phục, phát triển nhanh sau khi chúng ta kiểm soát được đại dịch”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Với đề xuất điều chỉnh nguồn lực thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định đây là một đầu mối chính sách theo Nghị quyết số 43 được triển khai rất đúng, rất chính xác. Chúng ta đã phát hành 38.400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ hạn mức bảo lãnh để triển khai, đưa chính sách vào cuộc sống rất nhanh.
Theo báo cáo của Chính phủ, số vốn kế hoạch bố trí cho 4/5 chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đến hết năm 2023 dự kiến không giải ngân hết là 16.100 tỷ đồng. Trường hợp được điều chỉnh số vốn này để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, kết hợp với nguồn vốn 2.727 tỷ đồng đến hạn thu hồi cho vay quay vòng, Ngân hàng Chính sách xã hội dự kiến có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn cho thêm hơn 330 nghìn hộ gia đình và hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 345 nghìn lao động trên toàn quốc. Ngân hàng Chính sách xã hội cam kết giải ngân hết nguồn vốn nêu trên trong năm 2023 trong trường hợp được điều chuyển.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc dùng 16.100 tỷ đồng nêu trên để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích 2 phương án. Thứ nhất, nếu nhất trí kéo dài thêm 1 năm với chính sách này thì các chính sách còn lại dự kiến “chạy” thêm được bao nhiêu, bởi cả 5 chính sách đều vẫn rất cần tiếp tục được triển khai. Nếu đồng thời gia hạn cả 5 chính sách này đến hết năm 2024 thì Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ sử dụng được thêm bao nhiêu tiền? Phần còn lại, không sử dụng hết sẽ dồn sang chương trình cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.
Phương án thứ 2 là nếu đồng ý kết thúc chương trình vào cuối năm 2023, dồn hết cả 16.100 tỷ đồng cho chương trình cho vay giải quyết việc làm thì Ngân hàng Chính sách xã hội có thể giải ngân hết trong năm 2023 không, vì chỉ còn hơn 2 tháng nữa? Nếu kéo dài sang năm 2024 thì phải trình Quốc hội để Quốc hội quyết định.
Giải trình về nội dung này, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Lê Thị Đức Hạnh cho biết, nhu cầu 16.100 tỷ đồng là theo báo cáo tại thời điểm ngày 8-8-2023. Hiện nay, sau khi rà soát lại, nhu cầu đã giảm đi 600 tỷ đồng, còn 15.500 tỷ đồng.
Xuất phát từ nhu cầu cũng như kế hoạch giải ngân, các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã phối hợp với các cơ quan, đặc biệt Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát về đối tượng và lập danh sách. Hiện nay danh sách đối tượng có nhu cầu vay cơ bản đã lập xong. Khi được thông báo kế hoạch chỉ hoàn thiện hồ sơ để giải ngân, nên kế hoạch để giải ngân hết 15.500 tỷ đồng này cơ bản là khả thi.
THÙY LÂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.