Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua bổ sung 4 dự án luật trọng điểm
Sáng 10/7, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung 4 dự án luật quan trọng, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (dự kiến vào tháng 10/2025).
Bổ sung bốn dự án luật cấp thiết vào Chương trình lập pháp năm 2025
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày, 4 dự án luật được đề xuất bổ sung gồm: (1) Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); (2) Luật An ninh mạng (sửa đổi); (3) Luật Thương mại điện tử; (4) Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình.
Chính phủ đánh giá đây là những dự án luật có tính cấp bách, cần thiết, phù hợp với định hướng đổi mới tư duy lập pháp và yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay. Mục tiêu xây dựng luật nhằm khắc phục các bất cập, chồng chéo, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả khu vực tư nhân, cá nhân và hộ gia đình trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên, năng lượng và lao động. Điểm nhấn của dự luật là thể chế hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.
Đáng chú ý, dự luật bổ sung quy định “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí” vào ngày 31/5 hàng năm; lồng ghép giáo dục tiết kiệm vào hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời hoàn thiện cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý hành vi lãng phí.
Luật An ninh mạng (sửa đổi) dự kiến hợp nhất Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (sửa đổi năm 2018), nhằm tạo nên một khung pháp lý thống nhất trong bảo vệ chủ quyền không gian mạng, an ninh quốc gia và quyền lợi của công dân.
Dự luật bao gồm các quy định về phòng ngừa, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao; quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an toàn thông tin; và cơ chế kiểm soát sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng cần xây dựng luật theo trình tự thông thường do phạm vi sửa đổi rộng và có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Trước sự phát triển nhanh chóng của mô hình kinh doanh số như livestream bán hàng, hợp đồng thông minh, tiếp thị liên kết, dự án Luật Thương mại điện tử sẽ hoàn thiện khung pháp lý đối với các mô hình mới này.
Dự luật đề xuất bổ sung quy định định danh người bán qua VNeID, cơ chế kiểm soát hành vi vi phạm, trách nhiệm của các nền tảng số, và cơ chế chống thất thu thuế từ giao dịch điện tử. Đồng thời, cần bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành, nhưng sẽ mở rộng xã hội hóa một số lĩnh vực giám định có nhu cầu lớn, phân cấp thẩm quyền giám định theo cấp hành chính và tố tụng. Mục tiêu là khắc phục tình trạng giám định kéo dài, né tránh trách nhiệm, đặc biệt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị rà soát kỹ, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật tố tụng, phân quyền hợp lý và rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi giám định sai gây ra.
Thống nhất điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025
Kết luận phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung 4 dự án luật nói trên vào Chương trình lập pháp năm 2025. Theo đó, Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) và Luật An ninh mạng (sửa đổi) sẽ được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, hai dự luật còn lại thực hiện theo trình tự thông thường.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 10 sẽ là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, do đó việc chuẩn bị các dự luật cần hết sức kỹ lưỡng, tập trung cao độ về chất lượng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý sự khác biệt pháp lý giữa việc “sửa đổi” và “thay thế” luật, đồng thời khuyến nghị sử dụng cách gọi “sửa đổi” trong các dự án luật để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Với 100% ủy viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025, khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.