Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu

Tiếp tục Phiên họp thứ 8, sáng 16/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH khóa XII quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Theo Tờ trình do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thành lập từ năm 2003. Trải qua hơn 18 năm hoạt động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Công tác đại biểu trên các lĩnh vực về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, chất vấn, bầu cử, bồi dưỡng đại biểu… ngày cũng được khẳng định. Tuy nhiên, đến nay, một số nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu đã được điều chuyển cho cơ quan khác, bên cạnh đó, yêu cầu trong nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự, tổ chức bộ máy ngày càng cao, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

Theo báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, để tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được trong tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu trong thời gian qua thì việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cần làm sâu sắc hơn các nội dung về phương hướng đổi mới, phát triển của ban trong bối cảnh, tình hình mới, đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng Quốc hội điện tử, Quốc hội số. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự thảo Nghị quyết với các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính chính xác trong sử dụng từ ngữ, thống nhất trong thể hiện các quy định.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần phân định rõ những nhiệm vụ nào là Ban chủ trì, làm đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện; nhiệm vụ nào là tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan; những nhiệm vụ nào là Ban chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, từ đó mới quy định rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn và làm rõ vai trò của Ban trong từng nhiệm vụ để tránh chồng chéo, trùng lặp.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-xem-xet-chuc-nang-nhiem-vu-cua-ban-cong-tac-dai-bieu