Không được để cho giá tăng, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương

Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 mà Nhà nước vẫn huy động nguồn lực, tiết kiệm để thực hiện tăng lương, điều này thể hiện quyết tâm chính trị, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ…

Theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ, từ ngày 1-7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là tin vui đối với hàng triệu người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít những thông tin sai lệch về việc thực hiện chính sách này.

Đủ nguồn lực để tăng lương cơ sở

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV cho biết, không phải bây giờ chúng ta mới tăng lương cơ sở mà đến nay, đã có 20 lần Nhà nước thực hiện việc này.

"Trong cải cách tiền lương, Nhà nước ta luôn đi theo một nguyên tắc, đó là tốc độ tăng tiền lương bao giờ cũng chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Có nghĩa là, có làm, có tăng năng suất, có tăng trưởng, phúc lợi và có phát triển lợi nhuận thì mới cải cách được tiền lương. Khi kinh tế, xã hội phát triển, tăng trưởng thì mới thực hiện tăng lương", TS Bùi Sỹ Lợi nói.

 TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV.

TS Bùi Sỹ Lợi đánh giá, cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là vấn đề toàn diện liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và hàng triệu người thụ hưởng chính sách. Việc tăng lương, bù trượt giá là để cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không bị chịu tác động của tăng giá, đồng tiền mất giá.

Lần điều chỉnh lương lần này, Đảng, Nhà nước ta thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, mục tiêu là bảo đảm chính sách tiền lương phản ánh đúng giá trị của sức lao động và thể hiện bằng giá cả trên thị trường; tiền lương của khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực tư. Tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1-7-2024 là bước đệm phù hợp cho lộ trình cải cách tiếp theo...

"Mức tăng lương cơ sở lần này cao nhất từ trước đến nay. Để thực hiện, Nhà nước đã phải tiết kiệm, huy động các nguồn thu hợp pháp và từ ngân sách địa phương, Trung ương. Hiện tại, chúng ta đã có được gần 700.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở. Như vậy có nghĩa là, chúng ta đã hoàn toàn có nguồn lực để tăng lương cơ sở. Còn thông tin cho rằng, chúng ta phải đi vay để cải cách tiền lương là hoàn toàn không đúng nguyên tắc. Mặt khác, lâu nay chúng ta đã chuẩn bị theo tinh thần của Nghị quyết số 27 là nâng cao đời sống cho cán bộ công chức, viên chức. Đến nay, có thể khẳng định, dù ngân sách nhà nước rất khó khăn, Đảng, Nhà nước đã tập trung mọi nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức - điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội”, TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Sự nỗ lực của Chính phủ trong tăng lương cơ sở

TS Bùi Sỹ Lợi cho hay, lẽ ra, nước ta đã thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2020 nhưng do tác động của đại dịch Covid-19, cả đất nước phải gồng mình tập trung nguồn lực phòng, chống đại dịch. Chúng ta đã huy động đến 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp phòng tránh, khắc phục đại dịch Covid-19.

Sau đó, khi nền kinh tế vừa mới phục hồi, bắt đầu tăng trưởng, thì chúng ta lại tiếp tục lo tới gần 700.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương. Trong điều kiện hết sức khó khăn, chúng ta phải tiết kiệm đầu tư công, chống lãng phí, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…bằng mọi nguồn lực để cải cách tiền lương.

“Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Và một điều rất quan trọng là tạo động lực là để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo được sự đồng thuận xã hội”, TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Nói rõ thêm, TS Bùi Sỹ Lợi cho hay, thời gian qua, chúng ta đã rất đau lòng khi một bộ phận khu vực công chuyển sang khu vực tư. Chính vì vậy, việc tăng lương cơ sở lên 30% ý nghĩa chính trị rất lớn, là động lực để tăng trưởng, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, TS Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý, nếu chúng ta không có những giải pháp tích cực để kiềm chế lạm phát thì cải cách, nâng lương không có ý nghĩa, chúng ta chỉ tăng số tiền trong ví mà không tăng được giá trị sức mua của đồng tiền. Biện pháp tích cực nhất là dùng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế để kiềm chế lạm phát.

Cùng với đó là chống tâm lý lan truyền để nâng giá, gây khó khăn cho người dân. Chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để chống việc nâng giá một cách tùy tiện. Cần kiểm soát cả việc buôn bán hàng giả, nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch để tùy tiện lên giá. Đồng thời, cần động viên tinh thần cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân ủng hộ Chính phủ, không nâng giá, tăng giá tùy tiện. Khi phát hiện sai phạm, cần xử lý thật nghiêm.

“Tăng lương cơ sở là chính sách rất quan trọng, chúng ta dứt khoát không được để cho giá tăng, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương”, TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-duoc-de-cho-gia-tang-lam-mat-di-y-nghia-cua-viec-tang-luong-784218