ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND HUYỆN CẦN GIUỘC VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỚI TRẺ EM MỒ CÔI
Sáng 11/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ dẫn đầu đã làm việc với UBND huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi.
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND huyện Cần Giuộc cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng ban, ngành, đoàn thể huyện có liên quan, UBND các xã, thị trấn lồng ghép nội dung thực hiện các quy định liên quan đến trẻ em mồ côi, trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 trong xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm trên địa bàn, nhất là tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi.
Để bảo đảm quyền trẻ em trước những tác động của đại dịch Covid-19, UBND huyện Cần Giuộc đã hỗ trợ cho 20 trẻ em mồ côi có cha hoặc mẹ mất do dịch bệnh Covid-19 số tiền 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và hỗ trợ 6 trẻ em mồ côi có cha hoặc mẹ mất do dịch bệnh Covid-19 số tiền 12 triệu đồng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện.
Phối hợp với quỹ từ thiện của các doanh nghiệp hỗ trợ 40 trẻ em mồ côi có cha hoặc mẹ mất do nhiễm Covid-19 với tổng số tiền 329 triệu đồng; tặng 118 thùng mì cho 77 trẻ em bị bỏ rơi đang được chăm sóc, nuôi dạy tại các cở sở bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện; hỗ trợ 1.307 phần quà cho trẻ em tại các khu nhà trọ, khu phong tỏa với tổng số tiền gần 421 triệu đồng.
UBND huyện Cần Giuộc cho biết, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi chủ yếu lồng ghép chung trong kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trong công tác này đôi lúc chưa được thường xuyên, chưa cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Các địa phương đều xây dựng kế hoạch, chương trình bảo vệ trẻ em nhưng còn quá chung chung, thiếu cụ thể, chưa chủ động bố trí kinh phí và vận động xã hội hóa thực hiện. Bộ máy tổ chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ổn định, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao những kết quả huyện Cần Giuộc đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi. Điều này thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương, thực hiện đúng chính sách nhân văn trong công tác xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ em mồ côi. Bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; triển khai phù hợp với tình hình của địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em theo quy định. Quản lý chặt chẽ hơn các trung tâm có trẻ em mồ côi, trong đó lưu ý các vấn đề liên quan đến kinh phí, đội ngũ bảo mẫu, nâng cao nhận thức, giáo dục cho trẻ... Cùng với đó, các cơ quan đoàn thể của huyện cần quan tâm hơn tới công tác chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn.
Cùng ngày, các Tổ công tác của Đoàn giám sát đã thăm, làm việc và tặng quà Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi huyện Cần Giuộc và Mái ấm An Lạc.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74798