Ủy ban Xã hội họp phiên toàn thể lần thứ 10

Ngày 14 - 16.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 10.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Xã hội

Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thường trực và các thành viên Ủy ban Xã hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, phiên họp được tổ chức để xem xét, thảo luận 10 nhóm nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu tới. Trong đó, có dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - dự luật quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 28 - NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nêu rõ, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, giúp thăm thêm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng mà ngân sách Nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hàng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Dự kiến, tổng số người được hưởng lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dự thảo Luật cũng bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến tổng số đối tượng được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Các thành viên Ủy ban Xã hội cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, tiếp cận các kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần quan tâm như việc đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, của các cơ quan liên quan đối với chính sách, nội dung sửa đổi của dự thảo Luật.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Liên quan đến các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, như việc bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng là rất quan trọng, là chìa khóa cho việc bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội trong lâu dài, nhưng triển khai trên thực tế như thế nào, tổ chức thực hiện ra sao khi mà nguồn thu chưa chắc chắn. Nếu nhóm đối tượng này không tham gia thì xử lý như thế nào - rất cần lưu ý về tính khả thi của quy định này.

Đối với trợ cấp hưu trí xã hội, một số ý kiến đặt vấn đề, đối tượng như quân nhân, có thời gian phục vụ trong quân đội từ 15 - 20 năm đã được hưởng trợ cấp hàng tháng, khi đến 75 tuổi, đối tượng này có tiếp tục được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hay không? Tương tự với một số người tàn tật, khuyết tật đã được hưởng trợ cấp xã hội thì có được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nữa hay không?

+ Trong khuôn khổ phiên họp, Ủy ban Xã hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2022. Cho ý kiến tham gia thẩm tra các Báo cáo: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch, dự toán năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025; việc chuẩn bị các dự án Luật, trình Quốc hội phê chuẩn các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách.

Ủy ban cũng thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2023; thông tin về kết quả giám sát tối cao việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2022; kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân từ năm 2021 - 2022. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá từ năm 2021 - 2022…

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-xa-hoi-hop-phien-toan-the-lan-thu-10-i343011/